Chủ Nhật | 11/11/2012 13:52

Cơ cấu hàng xuất khẩu thiếu bền vững

Các chỉ tiêu kinh tế 2013 đã được Quốc hội thông qua được cho là nhiệm vụ không dễ dàng khi cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam đang thiếu bền vững.
Phụ thuộc vào gia công

Trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cuối năm 2011 và trong năm 2012, linh kiện điện tử, điện thoại đang giữ kim ngạch thứ hai (sau dệt may) trong cơ cấu hàng xuất khẩu. Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, đến hết tháng 10/2012, dệt may tiếp tục dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, khoảng 12,5 tỷ USD, tiếp theo là điện thoại các loại 9,9 tỷ USD.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng trong xuất khẩu với kim ngạch 10 tháng đầu năm ước đạt 59,8 tỷ USD, chiếm 64% tổng kim ngạch, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thủy sản, gạo, da giày, cà phê... đã lần lượt bị điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, máy ảnh, máy quay phim... qua mặt trong bảng xếp hạng.

Khối nghiên cứu kinh tế Ngân hàng HSBC Việt Nam vừa công bố báo cáo về kinh tế vĩ mô- triển vọng thị trường Việt Nam với đặc điểm nổi bật như trong 6 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu, chỉ có hàng điện tử tăng mạnh. Sắp tới, may mặc và điện tử sẽ là hai mặt hàng xuất khẩu đem lại kim ngạch hàng đầu cho Việt Nam và sẽ dần thay thế xuất khẩu nguyên liệu thô.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến quan ngại, cơ cấu hàng xuất khẩu có xu hướng thay đổi như hiện nay dường như thiếu tính bền vững và không mang lại nhiều giá trị gia tăng.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, xuất khẩu tăng nhưng cơ cấu các mặt hàng đang có vấn đề, chủ yếu tăng ở những mặt hàng điện tử, điện thoại, đây có thể xem là hàng tạm nhập tái xuất, không có giá trị gia tăng nhiều.

Chúng ta vẫn chỉ đang gia công với lợi thế về nhân công giá rẻ và các chính sách thu hút FDI nên kim ngạch xuất khẩu cao từ nhóm này vẫn chưa phản ánh chân thực cục diện xuất khẩu của Việt Nam.

Những mặt hàng chính như dệt may, da giày, thủy sản, cà phê, gạo... nếu không có sự đầu tư về vùng nguyên liệu, hạ tầng, công nghiệp hỗ trợ để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu nhưng năm tiếp theo khó được như mong muốn.
Doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế

Ông Nguyễn Tiến Vỵ - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương)- cho biết: Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chủ yếu là do nhóm hàng công nghiệp chế biến của các doanh nghiệp FDI như dệt may, điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, máy ảnh, máy quay phim...

Điều đó thể hiện rõ ở số liệu kim ngạch nhập khẩu 10 tháng qua, nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp trong nước đang giảm đi, còn khối FDI tăng lên đáng kể.

Tính chung 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 93,81 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 44,62 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ trong khi doanh nghiệp FDI đạt 49,19 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 52,3% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Cơ cấu nhập khẩu hàng hóa cho thấy rõ những mặt hàng chủ lực của các doanh nghiệp Việt Nam đều tăng thấp hoặc giảm so với cuối năm 2011.

Bộ Công Thương đánh giá, nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước giảm, trong khi nhập khẩu của khối doanh nghiệp nước ngoài vẫn tăng cao. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất- kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước còn tiếp tục gặp khó khăn.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, xuất khẩu chủ yếu tăng ở những mặt hàng điện tử, điện thoại, không có giá trị gia tăng nhiều. Chúng ta vẫn chỉ đang gia công với lợi thế về nhân công giá rẻ và các chính sách thu hút FDI nên kim ngạch xuất khẩu cao từ nhóm này vẫn chưa phản ánh chân thực cục diện xuất khẩu của Việt Nam.

Nguồn Báo Công thương


Sự kiện