Có 0,46% số công chức không hoàn thành nhiệm vụ
Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng nay (18/11), Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã trả lời một số kết quả đánh giá phân loại công chức, viên chức.
Theo đó, năm 2014 thì đến thời điểm này chưa có số liệu tổng kết. Bộ Nội vụ đã tổng hợp kết quả đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhưng qua công bố thì dư luận chưa có đồng tình, đề nghị các bộ ngành tập trung đánh giá.
Qua tổng hợp số liệu của năm 2013 thì Bộ Nội vụ cho biết, cán bộ công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 34,33%, số công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ là 58,08%, số cán bộ hoàn thành nhiệm vụ nhưng hạn chế năng lực là 4,94%, không hoàn thành nhiệm vụ là 0,46%.
Về đánh giá phân loại viên chức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 34,49%, hoàn thành tốt là 50,14%, hoàn thành nhiệm vụ là 8,06% và 0,24% không hoàn thành nhiệm vụ.
Có 23 bộ ngành địa phương báo cáo không có công chức nào bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Có 7 bộ ngành địa phương báo cáo không có viên chức nào không hoàn thành nhiệm vụ.
Đối với khối bộ ngành trung ương, có 2 đơn vị có số công chức không hoàn thành nhiệm vụ cao. Đối với khối địa phương thì có có 4 đơn vị có số công chức không hoàn thành nhiệm vụ cao.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, Bộ Nội vụ đang xây dựng nghị định đánh giá xếp loại viên chức hàng năm. Lấy bộ nội vụ làm thí điểm đánh giá,
trên cơ sở bổ sung đánh giá xây dựng nghị định phù hợp.
Nguyên nhân của tình trạng hiện nay theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình là do chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan đơn vị chưa đồng đều. Việc bố trí phân công với từng cán bộ, công chức, viên chức là chưa đồng bộ, rõ ràng.
Thứ hai, các cơ quan, tổ chức đơn vị sử dụng chưa thường xuyên theo dõi giám sát việc thực thi nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức, viên chức. Tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, công chức, viên chức chưa cao. Vẫn còn tồn tại tư tưởng dĩ hòa vi quý, nể nang, sợ đụng chạm trong công tác đánh giá.
Thứ tư là người tự đánh giá không trung thực, thường xuyên có tâm lý không thừa nhận bản thân mình yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ. Người đứng đầu cơ quan chưa thực hiện đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác đánh giá phân loại hàng năm.
Rút kinh nghiệm từ Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, có những đơn vị phải làm lại 5 lần mới chỉ ra được số không hoàn thành nhiệm vụ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng chỉ ra phương hướng để nâng cao chất lượng công chức, viên chức trong thời gian tới. Theo đó, cần làm công tác chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, nêu gương người đứng đầu, người tốt việc tốt...
Hoạt động đánh giá phải đặt dưới sự trực tiếp của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Cần tạo thành một hệ thống từ trung ương, địa phương, nhất trí quán triệt.
Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, hệ thống tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý. Khẩn trương xác định vị trí việc làm trên cơ sở xây dựng cơ cấu viên chức, công chức hợp lý, từ đó định ra biên chế cho phù hợp.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng phải phân công cụ thể rõ ràng, lượng hóa công việc càng kỹ thì càng dễ đánh giá phân loại, bộ trưởng lưu ý. Trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức đơn vị cũng được lưu ý, người đứng đầu mà không dám quyết đoán, quyết liệt thì không chỉ ra được người không hoàn thành nhiệm vụ.
Xây dựng quy chế giám sát, theo dõi, kiểm soát thường xuyên. Theo từng loại hình tổ chức thì lãnh đạo đứng đầu phải cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá công chức, viên chức nữa.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cũng cho biết đang xin ý kiến Thủ tướng, Chính phủ để công bố tỷ lệ cán bộ hoàn thành nhiệm vụ cùng bộ chỉ số cải cách hành chính hàng năm để các cơ quan dân cử, người dân... theo dõi đánh giá, tránh tình trạng "quýt làm cam chịu".
Nguồn DVO