Thứ Tư | 10/10/2012 17:16

CMC tái cấu trúc lần hai

Hoạt động tái cấu trúc của CMC sẽ không nhìn vào mục tiêu tăng trưởng mà đặt trọng tâm vào việc cải thiện các giá trị cốt lõi.
Lỗ lớn trong năm 2011

Năm 2011, Công ty cổ phần Công nghệ CMC ( CMG) lỗ 100 tỷ đồng, lỗ lần đầu tiên sau 16 năm thành lập. Trong khoản lỗ 100 tỉ đồng nói trên, có đến 89 tỉ đồng là mức lỗ của mảng sản xuất và phân phối các mặt hàng công nghệ thông tin (hoạt động của CMC gồm 4 mảng chính là tích hợp hệ thống, phần mềm, viễn thông, sản xuất và phân phối các mặt hàng công nghệ). Năm 2009, đây là nguồn tiền chủ yếu của CMC, chiếm gần 70% doanh thu và 45% lợi nhuận.

Điện thoại giá rẻ Bluefone của CMC ra đời hơn 1 năm nhưng công ty phải tuyên bố tạm ngừng đầu tư vì kinh doanh kém hiệu quả. Máy tính thương hiệu cũng còn khá xa lạ với đại đa số người tiêu dùng.

Tiếp đến là mảng viễn thông - internet. Mảng này được đầu tư từ năm 2008 và CMC dự tính đến năm 2011 sẽ bắt đầu có lợi nhuận. Tuy nhiên, 2011 cũng là năm đầu tiên doanh thu ngành viễn thông Việt Nam suy giảm.

Hai mảng kinh doanh truyền thống là tích hợp hệ thống và phần mềm cũng sa sút. Cụ thể, lợi nhuận của mảng tích hợp hệ thống đã giảm 64% so với năm 2010 do chi tiêu công bị cắt giảm, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp yếu (do suy giảm kinh tế) và cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong ngành. Mảng phần mềm cũng không khá hơn. CMC thậm chí đã phải tạm dừng hoạt động của CMC Blue France, công ty xúc tiến hoạt động kinh doanh của CMC tại châu Âu, để cắt giảm chi phí.

2 lần tái cấu trúc

Khởi đầu từ hoạt động sản xuất và lắp ráp linh kiện máy tính, khi chính sách tin học hóa hệ thống các cơ quan nhà nước được triển khai, CMC đã nhanh chóng tham gia. Sau đó, doanh nghiệp này đã nhảy vào lĩnh vực phần mềm (1996) và sản xuất máy tính (1999). Đến năm 2008, CMC đã trở thành công ty lớn thứ hai về doanh thu tích hợp hệ thống và là thương hiệu máy tính Việt lớn nhất nước.

Lần tái cấu trúc đầu tiên, CMC đã mở rộng hoạt động ra 3 lĩnh vực mới: viễn thông, phân phối và thương mại điện tử. Theo đó, công ty đã tái cấu trúc theo hướng lập ra các công ty con chuyên môn cho từng lĩnh vực. Chẳng hạn như CMS sản xuất, phân phối máy tính mang thương hiệu CMC; CMC Distribution cho mảng phân phối các thương hiệu máy tính khác. CMC còn liên kết với các tổ chức khác thông qua mua bán và sáp nhập (M&A), liên doanh liên kết, cổ đông chiến lược để tăng quy mô.

2006-2009 là giai đoạn phát triển nhanh của Tập đoàn. Doanh thu tăng trưởng trên 70%/năm, lợi nhuận cũng tăng hơn 30% mỗi năm. Phân phối sản phẩm công nghệ thông tin đã chiếm gần 50% doanh thu, 30% lợi nhuận của CMC.

Theo nhận xét của Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC), năm 2010, vòng quay vốn lưu động của CMC ở mức thấp so với các công ty cùng ngành (2,1 so với 4). Năm 2011 chỉ số này cũng không thay đổi nhiều. Nguyên nhân là lượng hàng tồn kho và công nợ phải thu của công ty quá lớn, chiếm tới 57% tổng tài sản. Điều này đã gây sức ép giảm giá bán, trích lập dự phòng, góp phần đẩy cao chi phí trong năm qua.

“Khó khăn năm 2011 đã bộc lộ nhiều hạn chế về năng lực quản trị rủi ro của Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Do đó, việc xây dựng năng lực quản trị sẽ là một trọng tâm trong kế hoạch của năm 2012”, báo cáo thường niên CMC 2012 viết.
Lần tái cấu trúc thứ hai này, Tập đoàn đã dựa vào hình mẫu tái cấu trúc của Công ty Tích hợp hệ thống CMC (CMC SI). 2008-2009 là giai đoạn CMC SI phát triển mạnh, nhưng lúc này công ty lại quyết định tái cấu trúc sau khi nhận thấy quy mô phát triển quá nhanh, khiến hoạt động quản lý nguồn nhân lực không theo kịp. Nhờ đó, mặc dù năm 2011 phải cắt giảm tới 1/3 nhân sự nhưng CMC SI vẫn có lợi nhuận.

Từ hoạt động tái cấu trúc tinh gọn hệ thống của CMC SI, ban lãnh đạo Tập đoàn đã đưa ra kế hoạch sáp nhập hợp nhất các công ty con kinh doanh chưa hiệu quả, có xu hướng giẫm chân lên nhau. Chẳng hạn như CMS và CMC Distribution đều có mảng phân phối hay CMCTI và CMCTel cùng hoạt động trong lĩnh vực viễn thông. Song song đó, tập đoàn này cũng sẽ từ bỏ hoạt động kém hiệu quả như hoạt động xúc tiến thương mại của CMC Blue France, đầu tư Bluefone.

Như đã nói ở trên, CMC đặt nặng vấn đề tái cấu trúc năng lực lãnh đạo và quản lý để có thể nâng cao năng lực dự báo thị trường, đối phó với các rủi ro. Một mặt, công ty đi thuê giám đốc cho các công ty con, chứ không chọn các ủy viên hội đồng quản trị. Theo CMC, hoạt động tái cấu trúc sẽ không nhìn vào mục tiêu tăng trưởng mà đặt trọng tâm vào việc cải thiện các giá trị cốt lõi.

Tuy nhiên, nỗ lực tái cấu trúc của CMC đang gặp phải những thách thức. Các mảng kinh doanh truyền thống như phân phối, chế tạo máy tính, tích hợp hệ thống sẽ không còn lợi nhuận cao. Trong lĩnh vực phần mềm, nếu không muốn làm gia công, CMC phải cạnh tranh với sản phẩm của các công ty lớn từ nước ngoài và cải thiện vấn đề bản quyền. Trong khi đó, 3 doanh nghiệp đầu ngành viễn thông đã chiếm đến hơn 90% thị trường.

Nguồn Nhịp cầu đầu tư


Sự kiện