Citibank: Trung Quốc đang lôi cả thế giới vào một đợt suy thoái mới
Mới đây, các nhà kinh tế học tại tập đoàn ngân hàng Citigroup đã đưa ra những nghiên cứu không mấy khả quan về nền kinh tế Trung Quốc, cũng như tác động của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới này lên toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu.
Chuyên gia kinh tế cấp cao của Citigroup là ông Willem Buiter đưa ra nhận định rằng xác suất Trung Quốc gây ra một cuộc “suy thoái toàn cầu” một lần nữa là rất cao.
Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra lần gần đây nhất là vào năm 2008 với khởi nguồn từ khủng hoảng tài chính tại Mỹ, từ đó tạo ra hiệu ứng domino lan sang nhiều nền kinh tế khác. Và khi mới dần lấy lại được đà phục hồi thì giờ đây thị trường thế giới có thể lại phải đón nhận thêm một đợt sóng gió khổng lồ mới đến từ Trung Quốc.
Liệu lịch sử có lặp lại khi những bất ổn trong nội tại nền kinh tế của các nước lớn có thể thổi bùng lên nguy cơ “suy thoái kinh tế lần thứ 2” trong vòng chưa tới 10 năm?
Ông Buiter nhấn mạnh rằng không nên hiểu theo nghĩa hẹp rằng một cuộc suy thoái toàn cầu nghĩa là phải có sụt giảm GDP, mà một cuộc khủng hoảng có thể là “khủng hoảng thiếu” và cả “khủng hoảng thừa”. Và trường hợp “khủng hoảng thừa”, do mức sản lượng tiềm năng vượt quá mức sản lượng cần thiết, đang là vấn đề mà Trung Quốc gặp phải.
Nếu hiểu một cách đơn giản thì điều này đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều người bị mất việc làm trong tương lai, và tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ dừng ở mức khoảng 2% hoặc thấp hơn trong ít nhất 2 năm tới. Ngay như đợt suy thoái kinh tế năm 2008 cũng chỉ khiến cho tăng trưởng GDP toàn cầu ở dưới mức 2% trong một năm duy nhất là 2009.
Những số liệu kinh tế vĩ mô của Trung Quốc được công bố trong thời gian gần đây càng làm cho những lo ngại về một cuộc suy thoái có thể tái diễn trở lại trên hệ thống tài chính toàn cầu rõ nét hơn. Citigroup nhận định tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc đang rơi vào khoảng 4% hoặc thấp hơn, thay vì con số 7% mà chính phủ Trung Quốc đưa ra. Và rất có thể tăng trưởng thực tế sẽ còn giảm xuống mức 2,5% vào giữa năm 2016, mức thấp nhất kể từ 1976.
Đây chính là hậu quả của việc đầu tư không kiểm soát của chính phủ Trung Quốc kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới diễn ra năm 2008. Theo đó, Trung Quốc chỉ quan tâm đến làm thế nào để sản xuất và xây dựng nhiều nhất mà quên đi việc phải kiểm soát một cách chặt chẽ. Và hậu quả là nền kinh tế Trung Quốc phải gánh chịu một mức dư nợ đang ngày càng gia tăng, trong khi hàng loạt nhà máy và dự án bất động sản không tìm được đầu ra.
Đây là điều rất đang lo ngại vì kim ngạch thương mại của Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần trong khoảng 15 năm từ năm 1999 - 2013. Tỷ trọng đóng góp vào kim ngạch thương mại toàn cầu của Trung Quốc đã vượt qua cả Mỹ và chỉ chịu thua Châu Âu. Và theo các nhà nghiên cứu từ Citigroup, các chỉ số này còn chưa phản ánh được đầy đù tầm ảnh hưởng của Trung Quốc: Có nhiều nước tuy không có giao dịch thương mại nhiều với Trung Quốc, nhưng lại là đầu mối cung cấp nguyên vật liệu cho các nước có xuất khẩu hàng hóa cho Trung Quốc.
Tỷ lệ đóng góp vào kim ngạch thương mại toàn cầu của Trung Quốc, Mỹ, EU trong giai đoạn 1999- 2013 |
Chính vì thế, trong năm 2011, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đã khẳng định rằng Trung Quốc là đầu mối gây nhiều biến động kinh tế nhất thế giới. Điều này đồng nghĩa rằng nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới đang phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc. Trong những năm qua, đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu có một phần rất lớn là nhờ vào sự trỗi dậy của Trung Quốc. Giờ đây khi nền kinh tế này sụt giảm tăng trưởng thì việc nền kinh tế các nước khác bị ảnh hưởng theo là điều gần như không thể tránh khỏi.
Tuệ Nghi
Nguồn BI