Thứ Sáu | 13/12/2013 17:08

CII tái cấu trúc với 5 lĩnh vực: Cầu đường - nước - thi công xây dựng - bất động sản - dịch vụ

“Từ đầu năm 2013 HĐQT nhận thấy rằng CII đang mặc một chiếc áo quá chật. CII phải mặc một chiếc áo mới, phù hợp hơn để quản trị tốt hơn.”.
nhận thấy rằng CII đang mặc một chiếc áo quá chật. Với quy mô 1.000 tỷ chúng ta có thể quản lý theo mô hình hiện tại, nhưng khi tổng tài sản lên đến 6.600 tỷ đồng và sẽ tiếp tục tăng lên trong năm 2014. Điều này buộc chúng ta phải mặc một chiếc áo mới, phù hợp hơn để quản trị tốt hơn” – Ông Lê Quốc Bình.

Sáng ngày 12/12/2013, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (MCK: CII) đã tổ chức buổi tiếp xúc với các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư để công bố chiến lược tái cấu trúc. Theo đó, CII sẽ thực hiện tái cấu trúc toàn diện nhằm quản trị tốt tài sản/hoạt động tốt hơn; huy động vốn tốt hơn – phù hợp với khẩu vị của các nhà đầu tư; chuyên môn hóa hoạt động đầu tư; thu hút nhà đầu tư có trình độ công nghệ cao; dễ dàng đưa ra quyết định đầu tư/thoái vốn mà không ảnh hưởng đến lĩnh vực còn lại. CII sẽ tái cấu trúc trên cơ sở các dự án, danh mục đầu tư và định hướng đầu tư của CII trong năm 2014 cũng như các năm tiếp đến.

CII sẽ tái cấu trúc thành CII Holdings - tập trung vào 5 mảng chính bao gồm cầu và đường (CII Brigde & Road), nước (SII), thi công xây dựng (CII E&C), bất động sản (CII Land) và dịch vụ (CII Service).

CII tái cấu trúc với 5 lĩnh vực: Cầu đường - nước - thi công xây dựng - bất động sản - dịch vụ (1)

Trong năm 2013 CII đã hoàn tất thành lập các công ty CII E&C (tái cấu trúc lại phần vốn của CII tại công ty 565, và LGC), SII (tái cấu trúc lại Sài Gòn Water), CII Service (thành lập mới, giữ vốn 100%). Trong năm 2014 – 2015 CII sẽ triển khai để thành lập CII Brigde & Road và CII Land.

Đối với 5 mảng chính cũng là 5 công ty hoạt động, CII sẽ duy trì tỷ lệ nắm giữ tối thiểu là 40% vốn điều lệ, trong một số trường hợp CII sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% để có thể hợp nhất báo cáo tài chính. Một nguyên tắc nữa trong tái cơ cấu là CII sẽ phải nắm giữ ít nhất 2 vị trí chủ chốt là Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc của các đơn vị thành viên.

Theo ông Lê Quốc Bình, sở dĩ CII thành lập CII E&C thi công xây dựng công trình hạ tầng là do trước đây các công trình xây dựng cơ bản của CII thường thuê các nhà thầu bên ngoài. Trong định mức cho phép của Nhà nước, các nhà thầu được tỷ suất lợi nhuận 6%/tổng vốn đầu tư xây dựng công trình. Vì vậy, CII mua lại một doanh nghiệp nhà nước đang tiến hành cổ phần hóa để chuyển đổi thành CII E&C nhằm tận dụng 6% tổng vốn đầu tư trên.

Ông Bình cũng cho biết, CII mong muốn thành lập CII Land bởi HĐQT cho rằng: Năm 2014 sẽ là năm có rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư bất động sản, nếu nhà đầu tư đó có năng lực tài chính mạnh. Vì vậy CII có tham vọng với CII Land.

CII Land đầu tư theo tiêu chí: (i) đầu tư vào dự án bất động sản của DNNN cổ phần hóa; (ii) các dự án các chủ đầu tư mất khả năng thanh toán dẫn đến các ngân hàng siết nợ và đấu giá; (iii) các dự án nằm dọc theo các trục giao thông được phát triển trong quy hoạch phát triển của Tp. Hồ Chí Minh; (iv) các dự án được nhà nước giao đất, có tiền sử dụng đất.

CII cũng tiên lượng việc tái cấu trúc sẽ làm phát sinh chi phí, và có thể kéo dài thời gian.

Tại buổi tiếp xúc CII hé lô kết quả hoạt động kinh doanh năm 2013 sẽ không khả quan so với kế hoạch đã đề ra, nhưng năm 2014 sẽ là một câu chuyện khác của CII; doanh thu ước tính đạt khoảng 768 tỷ đồng; lợi nhuận 233,7 tỷ đồng.

Năm 2014 CII sẽ phát hành hơn 1.200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi với lãi suất 12%/năm.

Q. Nguyễn

Nguồn CafeF


Sự kiện