Chuyện sau bàn đàm phán TPP
Câu chữ rắc rối, bài toán đơn giản
Có người nói với tôi TPP dịch ra tiếng Việt là “tớ phình phường”, dẫn lại tích truyện tiếu lâm nổi tiếng về một anh chàng đèo người yêu trên chiếc xe đạp cà tàng leo dốc.
Lên đến đỉnh, em yêu mới thẽ thọt hỏi anh mệt không, chàng bở hơi tai rồi nhưng làm oai với người yêu nên vẫn đáp là anh bình thường, nhưng thở không ra hơi, thành ra “anh phình phường”.
Chuyện này ám chỉ việc Việt Nam gia nhập TPP cũng hụt hơi như anh chàng leo dốc xe đạp kia, vì sĩ diện mà bảo “phình phường thôi”.
Mở hết cửa ngõ cho mấy ông lớn như Nhật, Mỹ, Úc vào, cạnh tranh sao nổi. Câu chuyện gợi nhớ lại thời điểm cách đây gần 20 năm khi Việt Nam ký Hiệp định thương mại Việt – Mỹ (BTA, 2001) và sau đó là gia nhập WTO (2007).
Cũng nóng ran mặt báo những cuộc thảo luận về cơ hội và thách thức, nổi lên là những lo lắng về sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội và viễn cảnh “bị bóp chết trên sân nhà”.
Thế nhưng, qua 20 năm, điều mọi người đều thấy là dòng thác hội nhập đã tưới tắm nước ngọt vào mọi ngóc ngách của đời sống kinh tế.
Doanh nghiệp nội vươn lên mạnh mẽ, xuất khẩu tăng trưởng ồ ạt và quan trọng nhất là thể chế, môi trường kinh doanh cải thiện chưa từng thấy.
Ngoài việc không thể đứng ngoài xu thế chung toàn cầu, điều có thể yên tâm về các hiệp định thương mại là khả năng đàm phán của Việt Nam.
“Tựu trung có 2 điều kiện, nguyên tắc tiên quyết để lựa chọn đi đến một hiệp định thương mại, đó là thị trường đôi bên không xung đột mà bổ sung cho nhau và dung lượng sức mua của thị trường mục tiêu phải lớn.
Tất nhiên không có cái gì là miễn phí. Nhưng nếu lợi ích trừ (-) đi chi phí lớn hơn (>) 0 thì chúng ta cứ thế mà làm thôi” – một thành viên đoàn đàm phán chia sẻ.
TPP còn được kỳ vọng nhiều vì sẽ cân bằng được cán cân xuất khẩu của Việt Nam vốn lâu nay phục thuộc quá nhiều vào khu vực Đông Á (hơn 50% xuất khẩu), chẳng khác nào “đặt trứng vào một giỏ” với nhiều rủi ro.
Khi phụ quan trọng hơn chính
TPP có 30 chương, nhưng không như đọc tiểu thuyết. Phụ lục là nơi bảo lưu các trường hợp ngoại lệ của những nguyên tắc đã thoả thuận. Vì vậy, nói theo cách Nam Bộ, nhiều trường hợp “tưởng dzậy hổng phải dzậy”.
TPP lại có 2 phụ lục khác nhau. Trong đó, phụ lục 1 áp dụng quy định “không thể đảo ngược”, tức chỉ có tiến chứ không có lùi, một khi đã mở một cánh cửa rồi thì chỉ có thể mở thêm chứ không được hối hận mà đóng lại.
Phụ lục 2 dễ chịu hơn, tức có thể du di tuỳ tình hình. Vì là nơi bảo lưu các trường hợp ngoại lệ, nên với những thành viên “nhỏ nhưng có võ” như Việt Nam, luôn đòi hỏi phải có lộ trình áp dụng cam kết, phụ lục vì vậy cũng chính là “đấu trường sinh tử” trong đàm phán, phụ mà còn quan trọng hơn chính.
Chẳng hạn, hiệp định yêu cầu chào thầu quốc tế trong đấu thầu, mua sắm công, tuy nhiên phụ lục lại nói rõ riêng trường hợp Việt Nam 25 năm nữa mới phải áp dụng hoàn toàn nguyên tắc này, trước mắt thì chỉ những gói thầu trực tiếp của các Bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ bị điều chỉnh.
Kể một câu trả lời của đoàn Việt Nam trên bàn đàm phán để giữ được bảo lưu này: “Các anh nói đúng, chúng tôi tiêu tiền dân nên phải đấu thầu để tiêu cho hiệu quả. Nhưng vì chúng tôi tiêu tiền dân nên chúng tôi cũng cần ưu tiên cho người dân của chúng tôi, doanh nghiệp của chúng tôi”.
Đặc biệt như chương về doanh nghiệp nhà nước. Nội dung hiệp định quy định khá chi tiết về về doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường, minh bạch hóa một số thông tin, không được có hành vi phản cạnh tranh khi có vị trí độc quyền…
Đây đều là những nguyên tắc mà Việt Nam từ lâu đã thực hiện. Tuy nhiên, khi đàm phán chúng ta tiếp tục bảo lưu loại trừ tất cả các doanh nghiệp có hoạt động liên quan tới an ninh - quốc phòng.
Đồng thời, phụ lục còn quy định đạt một ngưỡng doanh thu nhất định thì doanh nghiệp nhà nước mới chịu sự điều chỉnh của hiệp định. Theo tính toán sơ bộ, có chưa đầy 10 doanh nghiệp nhà nước Việt Nam thuộc diện này!
Người lữ hành trở về nhà
Tất nhiên, cơ hội luôn đi kèm thách thức. Nhưng có thể nói có nhiều thách thức đã bị thổi phồng. “Không thể nói Việt Nam có sức cạnh tranh yếu. Có đi đàm phán mới thấy nhiều bạn họ “sợ” ta như thế nào” – một thành viên đoàn đàm phán TPP nhận xét.
Thách thức thực sự đến từ chính nội tại, đó là một nguồn nhân lực đủ mạnh để có thể chớp lấy những cơ hội đang mở ra rộng hơn bao giờ hết đưa Việt Nam “bước tới đài vinh quang sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như Bác Hồ từng mong muốn.
Thiên nhiên trời phú, nếu được chăm bón thêm nguồn chất xám dồi dào thì hẳn một lĩnh vẫn được coi là yếu thế như nông nghiệp vẫn có thể tự tin mà bước tới.
Hy vọng rồi đây sẽ có thêm nhiều những mô hình đột phá như Công ty Viễn Phú ở đất mũi Cà Mau, lặn lội vào xứ rừng U Minh Hạ với lau sậy, phèn chua để rồi biến 320ha đất hoang hóa thành cánh đồng sản xuất lúa gạo hữu cơ để xuất khẩu duy nhất của cả nước, đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt tại thị trường Hoa Kỳ và châu Âu, với giá trị lợi nhuận cao gấp 5 lần so với gạo thường.
Không phải vô cớ mà dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn đổ vào Việt Nam. Hội nhập kinh tế tích cực, chủ động đã biến nước ta thành một giao lộ tấp nập trên bản đồ giao - chuyện sau bàn đàm phán thương quốc tế.
Cùng với các nhà đầu tư nước ngoài, những người Việt xa quê nay cũng trở về chung tay dựng xây đất nước. Đây là thành tựu của hội nhập chưa được đề cập nhiều và ý nghĩa khó có thể đo đếm qua những con số.
Không chỉ là câu chuyện kinh doanh, tạo công ăn việc làm, những doanh nhân trở về như tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn góp phần kiến tạo lại diện mạo đô thị…
Và cũng không chỉ những cuộc trở về của những đứa con xa quê, đó còn là sự trở về ngay chính trong lòng đất nước. Chúng ta từng xót xa và có thể cả đổ lỗi cho hội nhập đã lấy mất những công trình mang tính biểu tượng, những vị trí đắc địa của Thủ đô trao vào tay nước ngoài.
Nhưng cùng với sự trưởng thành nhanh chóng của doanh nhân trong nước, chúng ta đang dần giành lại cho mình, như khách sạn Hilton, Daewoo là những ví dụ.
Mở cửa kinh tế, tham gia các hiệp định thương mại, lâu nay chúng ta vẫn chủ yếu chỉ nhìn ở khía cạnh đi, chứ chưa nhìn đến những cuộc trở về, những phút giây đoàn tụ trên Đất Mẹ.
Nguồn PLVN