Chủ Nhật | 28/09/2014 11:30

"Chuyển sang cơ chế thị trường không phải phương thuốc vạn năng cho kinh tế Việt Nam"

TS. Nguyễn Hồng Sơn cho rằng vấn đề quan trọng nhất là có thể chế phù hợp cho hoạt động của nền kinh tế thị trường.
Sáng nay (28/9), Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2014 tiếp tục ngày làm việc thứ hai với phần tham gia thảo luận của nhiều chuyên gia kinh tế quanh nội dung chủ đề "Tái cơ cấu nền kinh tế: Kỳ vọng chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản".

Trong phần phát biểu tham luận, TS. Nguyễn Hồng Sơn Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô 9 tháng đầu năm có 4 điểm sáng là tăng trưởng đạt mức cao hơn so với cùng kỳ hai năm trước, lạm phát thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, cán cân thanh toán thặng dư và tỷ giá hối đoái ổn định, cân đối ngân sách vượt kế hoạch.

Trong bối cảnh nợ xấu còn chưa được giải quyết dứt điểm, tình hình sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, và ảnh hưởng tiêu cực của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở Biển Đông thì theo ông Sơn đây là những kết quả rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên có 2 điểm cần lưu ý. Thứ nhất là mục tiêu tăng trưởng còn nhiều thách thức, đặc biệt trong 2015 khi tổng cầu nền kinh tế rất thấp, đặc biệt cầu đầu tư. Chỉ số PMI đang có xu hướng giảm trong vài tháng trở lại đây dù vẫn trên 50 điểm. Đầu tư trong 8 tháng đầu năm 2014 tăng trưởng thấp, đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước chỉ tăng 2,1%, FDI thực hiện 8 tháng đầu năm 2014 chỉ tăng 4,5% so với cùng kỳ.

Tình hình đầu tư của các doanh nghiệp ngoài nhà nước thì chắc chắn có nhiều khả năng thấp do nợ xấu chưa giải quyết được.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6% năm 2015, theo TS. Nguyễn Hồng Sơn thì tốc độ tăng đầu tư thực phải thực hiện được mức tương ứng 6%, tỷ lệ đầu tư trên GDP năm 2015 phải đạt được mức 30%. Tuy nhiên nhiều khả năng tỷ lệ đầu tư trên GDP khó đạt mức 30% vì thế tăng trưởng trong năm tới khó đạt được trên 6%.

Về lạm phát, các dự báo hiện nay đưa ra theo ông Sơn vẫn cao. Ông dự báo lạm phát năm nay có thể xuống dưới 4%, năm sau cũng thấp bởi tổng cầu thấp. Hiện tại xu hướng cầu tiêu dùng trong giai đoạn dài chỉ 6%, đầu tư không đạt được mức 30% GDP thì lạm phát không thể cao, cần phải có giải pháp cho tình hình lạm phát thấp này. Khi lãi suất thực cao, chênh lệch lãi suất thực trong nước và ngoại tệ sẽ cao, dẫn đến có thể xảy ra việc kinh doanh chênh lệch lãi suất dẫn tới phải hạ lãi suất hay điều chỉnh tỷ giá.

Chính sách tài khóa hiện không còn nhiều dư địa vì ngân sách quá khó khăn, theo quan điểm của ông Sơn, thời gian tới chính sách tài khóa sẽ là chính sách phòng thủ nhằm đảm bảo nguồn thu, tiết kiệm chi, đảm bảo thâm hụt ngân sách ở dưới 5% và khống chế nợ công ở dưới 60% để đảm bảo ổn định, phát triển cuối 2014 và năm 2015.

Về nợ xấu, theo quan niệm của ông Sơn, đến thời điểm này phải thay đổi triết lý, quan điểm nợ xấu. Cụ thể là phải xử lý nợ xấu nhanh nếu không sẽ tác động tiêu cực tới tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Thứ hai là phải chia sẻ chi phí và cùng hưởng lợi ích bởi nợ xấu là khoản lỗ và phải có đối tượng hứng chịu, nếu chỉ 1 đối tượng tham gia chịu thì nền kinh tế sẽ sụp nên mỗi bên phải chịu một ít.

Hiện nay, mới chỉ có VAMC mua nợ xấu, không có nhà đầu tư bên ngoài tham gia mua nợ xấu. Để nhà đầu tư bên ngoài tham gia vào việc mua nợ xấu thì theo TS. Nguyễn Hồng Sơn cần phải tạo cho họ niềm tin rằng nợ mua về có thể bán lại được. Để tạo lập niềm tin đó thì phải có thị trường mua bán nợ, Nhà nước phải là người kích hoạt cho thị trường đó, "mồi" cho các nhà đầu tư khác mua, có hành lang pháp lý cho việc mua bán nợ.

TS. Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh, "chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường không phải là phương thuốc vạn năng để chữa tất cả những căn bệnh của nền kinh tế Việt Nam". Lịch sử khủng hoảng chứng minh cả thất bại của cả Nhà nước và thị trường. Theo TS. Hồng Sơn, quan trọng nhất là thể chế phù hợp cho hoạt động của nền kinh tế thị trường, bao gồm các vấn đề liên quan đến sở hữu, vấn đề liên quan đến cạnh tranh, độc quyền và cơ chế giải quyết tranh chấp...

Về hội nhập quốc tế, hiện nay rất nhiều tiến trình hội nhập đang diễn ra, chúng ta phải sẵn sàng cho hội nhập. Để doanh nghiệp sẵn sàng thì phải thay đổi cách thức hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp, cần có sự tham vấn doanh nghiệp trước, trong và sau khi đàm phán, đồng thời tăng cường vai trò của các hiệp hội.

Tuyên truyền về hội nhập, tái cơ cấu nền kinh tế, hoàn thiện thể chế.. hiện nay đều rất trừu tượng, theo ông Sơn, cần phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ tất cả những nội dung này.

Nguồn Theo DVO


Sự kiện