Chuyển nợ xấu thành vốn góp từ lý thuyết tới thực hành
Đã có nhiều lời ca ngợi đối với các biện pháp này khi cho rằng đó là biện pháp đơn giản nhất, đồng thời có thể giải quyết hàng loạt vấn đề về nợ xấu, đem lại lợi ích cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Có thật sự việc chuyển nợ thành vốn góp là “chìa khóa vạn năng” để giải quyết các món nợ xấu hay không?
Từ lý thuyết
Chuyển nợ thành vốn góp đơn giản là việc một chủ nợ thay vì thu hồi tiền nợ đã cho doanh nghiệp vay, họ sẽ lấy khoản nợ phải thu đó để “mua” chính cổ phần của doanh nghiệp (thường là cổ phần phát hành thêm) với giá tương đương hoặc theo thỏa thuận giữa hai bên. Khi đã là cổ đông, ngân hàng sẽ trực tiếp/gián tiếp tham gia vào công tác quản lý, hoạch định phương hướng sản xuất kinh doanh, vực dậy doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng “lầy lội” trong đống nợ nần.
Về phần doanh nghiệp, việc chuyển nợ thành vốn góp ngay lập tức giải phóng doanh nghiệp khỏi gánh nặng nợ nần, khả năng thanh toán được cải thiện. Thêm nữa, với “lý lịch” sạch hơn, doanh nghiệp cũng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay mới để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Như vậy, phương án này một mặt giúp ngân hàng thoát khỏi các khoản nợ xấu, một mặt giúp các doanh nghiệp giải quyết vấn đề thanh khoản. Khoản nợ xấu của doanh nghiệp đối với ngân hàng coi như được xóa, thay vào đó sẽ là phần vốn điều lệ thuộc quyền sở hữu của chủ nợ.
Hiện nay, việc xử lý nợ xấu thường có sự tham gia của Công ty mua bán nợ (DATC), với vai trò trung gian mua nợ xấu từ chủ nợ nói chung và thường là ngân hàng nói riêng, rồi trực tiếp làm việc với doanh nghiệp, chuyển món nợ thành vốn điều lệ do DATC sở hữu.
DATC là một công ty nhà nước trực thuộc Bộ tài chính. Việc tham gia mua nợ và chuyển nợ thành vốn góp có thể khiến các doanh nghiệp e ngại khi cho rằng doanh nghiệp của mình sẽ bị “quốc hữu hóa”. Tuy nhiên lo lắng này là thiếu cơ sở khi DATC luôn xây dựng phương án thoái vốn khi doanh nghiệp đã có thể tự đứng vững được.
Đến thực tiễn
Không khó để điểm tên các doanh nghiệp đã thành công với phương án“giảm nợ tăng vốn”. Có thể kể đến Bianfishco, Sadico Cần Thơ (SDG), Mía đường Kon Tum (KTS)… với các món nợ xấu đã được loại bỏ và bắt đầu ổn định hoạt động và kinh doanh có lãi.
Năm 2006 quá trình cổ phần hóa của SDG gặp nhiều khó khăn do mất cân đối tài chính trầm trọng bởi kinh doanh thua lỗ và gánh nặng nợ nần. DATC đã vào cuộc bằng cách mua nợ xấu ngân hàng để xử lý tồn tại tài chính gắn với tái cơ cấu và chuyển đổi doanh nghiệp thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 50 tỷ đồng (DATC sở hữu 51% theo cơ chế chuyển nợ thành vốn góp). Tính đến thời điểm hiện tại, DATC còn sở hữu 43,87% vốn điều lệ của SDG sau rất nhiều lần bán bớt cổ phần của công ty này.
Tuy nhiên, việc chuyển nợ thành vốn chủ sở hữu không thể đơn giản là việc thay đổi một bút toán trên sổ sách. Đó là cả một quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, bao gồm cả việc định hướng sản xuất kinh doanh, giải quyết các tồn đọng bấy lâu…
Viseri – Dâu tằm tơ Việt Nam, một Tổng công ty Nhà nước với rất nhiều vấn đề đang còn bỏ ngỏ: Tình trạng hoạt động kinh doanh bết bát, âm vốn chủ sở hữu lên đến 281 tỷ đồng…DATC đã vào cuộc và cũng với “phương thuốc” quen thuộc, vốn hóa các khoản nợ xấu. DATC đã xóa một phần nợ cho Viseri để cân đối tình hình tài chính, giúp công ty này đủ điều kiện cổ phần hóa.
Tuy nhiên, việc chào bán không diễn ra như dự định khi nhà đầu tư không mua hết số cổ phần được chào bán. Viseri hiện đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh lại cơ cấu vốn điều lệ để kịp tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu vào năm 2013.
Không phải lúc nào DATC cũng có thể tham gia vào giải quyết nợ xấu của các doanh nghiệp. Một số trường hợp, các ngân hàng loay hoay với khoản nợ xấu của riêng mình, và chẳng muốn ai đụng vào, kể cả DATC. VSG là một ví dụ.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2012, Công ty cổ phần container phía Nam ( VSG) đã thống nhất thông qua phương án tái cơ cấu tài chính và tăng vốn điều lệ của công ty.Theo đó, DATC sẽ thực hiện mua bán nợ của VSG từ Maritime Bank và VSG sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ bằng cách chuyển nợ thành vốn góp.
Tuy nhiên mọi việc đã không suôn sẻ như mong đợi, Maritimebank đã từ chối bán nợ của VSG cho DATC, phương án tái cơ cấu tài chính và tăng vốn điều lệ vì vậy sẽ không thực hiện được.
Nguyên nhân từ chối không được tiết lộ. Nhưng qua đó có thể thấy rằng không phải trong mọi trường hợp, việc bán nợ cho DATC giải quyết đã đem lại lợi ích cho chủ nợ (thông thường là các ngân hàng).
Một trường hợp khác cũng ở một doanh nghiệp vận tải biển.
Mắc kẹt với các khoản vay hàng trăm tỷ đồng để mua tàu, đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh toán, Đại hội cổ đông công ty vẫn quyết định không thông qua phương án bán tàu, vì lo sợ những khoản lỗ bất thường có thể khiến công ty bị hủy niêm yết và quyền lợi cổ đông sẽ về con số không. Ngoài ra bán tàu chốt lỗ thì chắc gì công ty đã thanh toán được khoản nợ, trách nhiệm thanh toán nợ gốc và lãi vay sẽ đè nặng lên vai của công ty.
Về phía ngân hàng chủ nợ, họ đề nghị công ty bán tàu chốt lỗ. Đáng lưu ý ở chỗ, ngân hàng này cho biết khoản nợ sau khi công ty đã thanh toán, còn lại nợ xấu của ngân hàng sẽ được Nhà nước và chính phủ “có biện pháp xử lý”.
Rõ ràng, ngân hàng không hề mặn mà với việc bán nợ ngay từ đầu, mà phải đến khi doanh nghiệp bán tài sản trả nợ, lâm vào tình trạng “chết lâm sàng”, món nợ xấu đó (may ra) mới được ngân hàng trao tay. Khả năng thành công trong việc giải quyết nợ xấu, biến nợ thành vốn chủ sở hữu (nếu có), liệu sẽ còn bao nhiêu phần trăm?
Như vậy, phương pháp biến nợ thành vốn chủ sở hữu tỏ ra hữu dụng trong điều kiện hiện nay, nhưng chỉ đối với các doanh nghiệp có thực lực. Một cơ thể một khi đã rệu rão, thì bất kỳ liều thuốc nào cũng là vô ích.
Nguồn cafeF