Chuyện lạ của cà phê hòa tan
Năm 2015, cuộc khủng hoảng mảng cà phê hòa tan của Trung Nguyên được đánh dấu bằng những hiềm khích nội bộ, nhưng đằng sau chuyện này, đà tăng trưởng vẫn cho thấy sự ổn định. Trong khi đó, Vinacafe Biên Hòa (VCF) dành lợi thế lớn khi trúng thầu cung ứng cà phê cho tất cả các chuyến bay của Vietnam Airlines, nhưng kết quả kinh doanh năm qua lại trở nên bạc nhược. Diễn biến mâu thuẫn này đang tạo nên một bức tranh thị trường khó đoán.
Khởi động năm 2015, VCF công bố thông tin khiến các cổ đông, nhà đầu tư hào hứng khi trở thành nhà cung cấp 100% cà phê trên các chuyến bay của Vietnam Airlines. Đó là điều mà hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng này mong muốn, để quảng bá và mở rộng thị trường. Tại thời điểm đó, ông ông Nguyễn Tân Kỷ - Tổng giám đốc của VCF - chia sẻ: “Con đường nhanh nhất để tiếp cận thị trường quốc tế đương nhiên là đi máy bay. Cơ hội quảng bá này là điều cần thiết cho những mục tiêu tiếp theo”.
Tuy nhiên, niềm vui không kéo dài được lâu. Tại thời điểm công bố kết quả kinh doanh quý I/2015, nhiều cổ đông đã không dấu được vẻ hụt hẫng. Doanh thu chỉ tăng ở mức tối thiểu 5,3%, lên 481 tỷ đồng và lợi nhuận quý đạt vỏn vẹn 5,56 tỷ đồng, tương đương 7% lợi nhuận cùng kỳ 2014. Đây cũng là lợi nhuận thấp kỷ lục kể từ khi công ty này niêm yết.
Kết thúc quý II/2015, số doanh thu lại còn giảm sâu hơn. Theo báo cáo tài chính, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm đạt 1.088 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 33 tỷ, chỉ bằng 20% cùng kỳ.
Diễn biến xấu này tiếp tục kéo dài sang quý III/2015, trong khi các chi phí bán hàng, tiếp thị vẫn tăng đều. Lũy kế 9 tháng, VCF thu về 88,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Thời gian còn lại của năm 2015 không đủ để VCF cứu vãn kế hoạch đề ra, vì mục tiêu lãnh đạo công ty đưa ra là doanh thu gần 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận 600 tỷ đồng.
Cách đây 1 năm, VCF với sự hậu thuẫn tài chính của Masan, đã giúp cho mức tăng trưởng được duy trì 30%. Tuy vậy đến 2015, một đối tác đã quyết định rút vốn. Cụ thể giữa tháng 12, Tổng công ty cà phê Việt Nam đăng ký thoái toàn bộ 3,41 triệu cổ phiếu VCF, tương ứng với gần 13% vốn.
Nguyên nhân sụt giảm doanh thu, nhiều chuyên gia cho rằng, chiến lược của họ đưa ra không khớp với những điều chỉnh chính sách vĩ mô. Ngoài ra, động thái chuyển dần sang sản xuất kinh doanh nước giải khát khi hợp tác cùng Vĩnh Hảo, đã khiến cho VFC phân tán nguồn lực duy trì mức ổn định trong ngành cốt lõi. Những sai lầm chiến lược, cộng với nhiều lý do khách quan khiến doanh nghiệp này đi dần vào khủng hoảng.
Câu chuyện cà phê hòa tan của Trung Nguyên đang khiến ngành hàng này được nhiều người nhìn nhận như “tội đồ” trong cả Tập đoàn. Dễ dàng nhận thấy, G7 là công cụ để tạo nên cuộc chiến pháp lý giữa vợ chồng lãnh đạo. Tuy nhiên, tình hình đóng góp doanh thu của G7 lại đang là con số tạo bất ngờ.
Năm 2014, công ty mẹ Trung Nguyên đạt trên 4.000 tỷ doanh thu và gần 1.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tuy nhiên, theo một chuyên gia chứng khoán: “Để đạt được con số doanh thu và lợi nhuận trên, một phần nhờ vào mức lợi nhuận chuyển về từ các công ty con, mà trong đó Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên đóng góp không nhỏ.
Báo cáo phân tích của hãng Euromonitor cho biết, doanh thu bán lẻ thị trường cà phê hòa tan tại Việt Nam giai đoạn 2011-2016 đạt từ 2.400 đến trên 3.600 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng kép là 18,5%. Nếu tập đoàn Trung Nguyên tiếp tục đạt mức tăng trưởng kép của toàn thị trường, doanh thu năm 2015 ước tính thương hiệu Trung Nguyên và G7 lần lượt đạt 701 và 156 tỷ đồng.
Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ từng "khoe", cà phê hòa tan được xem là một món quà đặc sản không thể thiếu trong danh mục quà tặng của những người ngoại kiều và bạn bè quốc tế khi đến Việt Nam du lịch. Trong bối cảnh đối thủ trực tiếp VCF liên tục sẩy chân trước những cơ hội, thì nhãn hàng này liệu có tận dụng được cơ hội để chiếm lĩnh thị phần.
Thị phần cà phê hòa tan 2014 tại Việt Nam: Vinacafe Biên Hòa: 41% Nestlé: 26,3% Trung Nguyên: 16% Trần Quang: 15,3% Khác: 1,4% |
Nguồn News.Zing