Chuyện kể của vàng
Điều thú vị của cuộc tranh luận này là nó không thể hiện hết ý nghĩa sâu xa của những gì đã diễn ra. Biến động gần đây của giá vàng gợi nhắc lại những gì đã xảy ra trước đó, và quan trọng hơn, nó củng cố xu hướng đang dần lan rộng ở những hệ thống kinh tế dựa trên nền tảng thị trường như của phương Tây - xu hướng định giá bởi tâm lý chủ quan của con người.
Đề cao vàng là một câu chuyện quen thuộc. Trong một môi trường ngày càng biến động và một thế giới ngày càng có nhiều ngân hàng trung ương thổi phồng bảng cân đối của mình, nhà đầu tư đã đổ xô vào vàng như một phương tiện để lẩn tránh rủi ro (lạm phát), cũng như để đối phó với nguy cơ bất ổn.
Giá liên tục tăng đã tạo nên những mặt bằng giá cao hơn, cắt đứt mối liên hệ giữa việc định giá và nền tảng cung - cầu. Điều đó có nghĩa là, chỉ một tin tức hơi khác thường cũng có thể khiến giá vàng trật khỏi mô hình vận động của nó.
Mặc dù kỳ vọng lạm phát thấp hơn và thị trường chứng khoán tăng mạnh đóng một vai trò quan trọng đối với xu hướng giảm giá của vàng, nhưng chất xúc tác thực sự khiến giá vàng giảm mạnh là tin đồn Síp có thể bị buộc phải bán một phần dự trữ vàng của mình.
Điều đáng nói là, số vàng mà Síp có thể sẽ bán chẳng thấm tháp gì (dưới 1 tỷ USD giá trị ở thời điểm đó) so với quy mô của thị trường, nhưng nó lại khiến các nhà đầu tư liên tưởng đến hành động bắt chước của một số nước châu Âu khác, cũng ở vào tình cảnh nợ nần như Síp, nhưng sở hữu nhiều vàng hơn, như Italia, với khoảng 130 tỷ USD giá trị vàng nắm giữ. Suy nghĩ đơn giản này đã đủ để kéo giá vàng giảm tới 15% trong vòng chưa đầy một tuần. Kể từ đó, kim loại quý đã phải vật lộn để tái thiết lập một cơ sở vững chắc (hiện đang được giao dịch ở mức 1.385 USD/ounce).
Trong năm qua, hiện tượng tương tự cũng đã xảy ra với các cổ phiếu của Apple và Facebook. Sau đợt tăng giá ổn định đến hơn 700 USD/cổ phiếu, cổ phiếu của Apple đã bị nhà đầu tư bán tháo. Giá của nó đã đổ sụp xuống dưới 400 USD/cổ phiếu. Hiện cổ phiếu Apple đang được giao dịch ở khoảng 440 USD/cổ phiếu. Tại sao vậy? Đó là vì, về cơ bản, sức mạnh "mê hoặc" (như mô tả của một cựu nhân viên Apple, Guy Kawasaki) của thương hiệu Apple đã chấm dứt, một phần do các đối thủ cạnh tranh của Apple giờ không còn chịu kém cạnh trong việc cho ra đời các sản phẩm "siêu đẳng".
Trong trường hợp của Facebook, cái tên quen thuộc được phổ biến rộng rãi, cộng với không ít sự cường điệu đã xui khiến các nhà đầu tư trả giá quá cao cho giá trị của Công ty trong đợt IPO, với 38 USD/cổ phiếu. Cổ phiếu này sau đó được giao dịch ở mức cao hơn một chút trong thời gian ngắn trước khi giảm mạnh xuống dưới 20 USD/cổ phiếu. Sự trượt giá của cổ phiếu Facebook xảy ra khi rất nhiều chuyên gia nhận định rằng, giá trị của nó đã bị thổi phồng so với giá trị thực. Hiện cổ phiếu Facebook đang được giao dịch quanh mức 26 USD/cổ phiếu.
Ngày nay, không khó để nhận ra bản chất thị trường vàng trong một thế giới mà các ngân hàng trung ương, vốn theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao hơn và tạo việc làm lớn hơn, đã chèn thêm một miếng đệm khá lớn vào giữa thị trường tài chính và nền tảng kinh tế thực.
Những cam kết mạnh mẽ, lặp đi lặp lại của các ngân hàng trung ương về việc mua tài sản đã thúc đẩy một số lượng ngày càng tăng các nhà đầu tư bổ sung vàng vào danh mục của mình ngay cả khi giá đã rất cao. Cam kết của các ngân hàng trung ương cũng lấn át tính nhạy cảm của thị trường, hạ thấp các mối tương quan và tạo nên ảo tưởng về sự ổn định - tất cả nằm trong một bối cảnh kinh tế phức tạp với đặc trưng là nợ công tăng bất thường, sự thay đổi các quy định và nhu cầu áp dụng những mô hình tăng trưởng - việc làm mới.
Về cơ bản, nền kinh tế toàn cầu hiện đang ở trung tâm của sự "mất cân bằng vững", và các thị trường đã vượt trên những nền tảng cơ bản, dựa trên kỳ vọng rằng, các ngân hàng trung ương phương Tây, cùng với một hệ thống chính trị thực dụng hơn, sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn. Nếu điều này không trở thành hiện thực, các nhà đầu tư sẽ lo lắng về rất nhiều thứ, chứ không riêng gì giá trị nội tại của vàng.
Nguồn Đầu tư Chứng khoán