Thứ Ba | 21/05/2013 21:59

Chuyên gia và ngân hàng nói về mức chênh lệch lãi suất

Chuyên gia cho rằng chênh lệch lãi suất cao là bất hợp lý. Chính đại diện các ngân hàng cũng khẳng định điều này trái chủ trương Chính phủ và NHNN.
Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ chính phủ tháng 4, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều hành giảm chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay ở mức hợp lý theo tín hiệu thị trường.

Theo báo cáo mới đây của NHNN, ước tính chênh lệch thu chi toàn ngành ngân hàng trong năm 2012 ước hơn 20.000 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ năm 2008 và chỉ bằng khoảng 40% mức của năm 2011. Nguyên nhân chủ yếu do chênh lệch lãi suất đầu ra, đầu vào giảm, chi phí dự phòng rủi ro gia tăng, tín dụng tăng trưởng thấp.

TS. Nguyễn Đức Trung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng cho biết, tính trung bình lãi suất huy động và cho vay, trong vòng 10 năm qua, chênh lệch lãi suất thời điểm cao nhất cũng chỉ 3,5%. Riêng trong năm 2012, mức chênh lệch bình quân là gần 2,2%.
Chênh 4% - ngân hàng vẫn sinh lời không bằng doanh nghiệp

Tại buổi trao đổi báo chí do NHNN tổ chức diễn ra cuối giờ chiều hôm nay (21/5), một lần nữa những vấn đề về chênh lệch lãi suất lại được các chuyên gia đưa ra bàn luận.

Theo TS Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính), mức chênh lệch lãi suất hiện nay là hợp lý. Ông dẫn giải, giả sử với mức chênh lệch 4% tính trên khoảng 3 triệu tỷ đồng dư nợ thì ngân hàng có lãi khoảng 120 nghìn tỷ đồng.

Con số 120 nghìn tỷ đồng này nếu tính trên toàn bộ doanh thu, tổng tài sản, vốn điều lệ hay chia cho từng ngân hàng và số cán bộ ngân hàng thì đều cho mức sinh lợi không bằng cả doanh nghiệp bình thường. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn phải trích lập dự phòng rủi ro, chịu mất vốn khi cho vay...

Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng chênh lệch giữa mức lãi suất đầu vào và đầu ra bất hợp lý. "Nếu lãi suất bình quân đầu vào ngân hàng đâu đó khoảng 7%, lãi suất đầu ra đâu đó là 13% thì mức chênh lệch 6% là bất hợp lý và nếu tiếp tục sử dụng mức chênh lệch này thì các ngân hàng sẽ không tồn tại được lâu".

"Mỹ có mức chênh khoảng 3% cho tín dụng có tài sản thế chấp tuyệt đối như tiền gửi, bất động sản, thậm chí 2%, đây cũng là mức chung ở các nước xung quanh Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc", ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, nếu các ngân hàng làm tốt thì biên độ lợi nhuận ròng nên ở mức 2%, thậm chí có ngân hàng 1% và có ngân hàng 0%. Mức chênh 6% do ngân hàng hoạt động không lành mạnh với chủ yếu là nợ xấu.

Biên lợi nhuận cao là trái với chủ trương NHNN

Về phía các ngân hàng, ông Nguyễn Tiến Đông, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho rằng, tính toán chênh đầu vào và ra ở mức xấp xỉ 4% là chưa tính tới các chi phí khác như dự phòng rủi ro. Hiện dư nợ của Agribank là 470 nghìn tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ.

Tuy nhiên, theo ông Đông, trong cơ cấu vốn ngân hàng hiện nay chủ yếu là vốn huy động từ thời điểm lãi suất 12% năm ngoái. Đến tháng 8, 9 tới mới hết những khoản tiết kiệm lãi suất huy động 12%. Trong khi đó, lãi suất đầu ra hiện ở mức 12%/năm và thực tế phần thu được 12% cũng chỉ thu được 80% số đó, còn lại là phần gốc và lãi doanh nghiệp không trả được. Do đó, các ngân hàng không “lãi lớn” như như nhiều ý kiến đánh giá, việc hạ lãi suất cho vay phải có lộ trình.

Cùng quan điểm trên, theo ông Phạm Quang Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, ngân hàng không có được mức chênh 6% và nếu để chênh tới 6% cũng là trái với chủ trương của Chính phủ và NHNN.

"Quan trọng là kiểm soát được chất lượng tín dụng, nếu nhìn vào mức chênh lệch như vậy và so sánh với các nước phát triển thì so sánh đó chưa được hoàn hảo", ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cũng cho rằng, một ngân hàng đạt được mức chênh 3% là quá lý tưởng, khi hiện tại thậm chí có ngân hàng đang chênh âm do cho vay thấp hơn lãi suất huy động.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện