Thứ Bảy | 05/12/2015 13:36

Chuyên gia nước ngoài thích làm việc ở Việt Nam vì tiết kiệm được nhiều hơn

Việt Nam là nước mang lại khả năng tích lũy cao nhất cho các chuyên gia nước ngoài trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, theo một báo cáo của HSBC.

Báo cáo mới nhất của HSBC cho thấy, các chuyên gia nước ngoài sống tại châu Á Thái Bình Dương là những người được trả lương cao nhất thế giới với mức thu nhập bình quân hằng năm là hơn 126.500 USD. Khu vực này cũng là nơi làm việc của 18% chuyên gia nước ngoài với mức lương trên 200.000 USD/năm - tỷ lệ cao nhất. Đứng thứ hai là khu vực Trung Đông với 16%.

Việt Nam, Trung Quốc, Hồng Kông, Malaysia và Singapore mang lại khả năng tích lũy cao nhất cho các chuyên gia nước ngoài, từ đó khiến thu nhập khả dụng của họ tăng.

Việt Nam đứng đầu danh sách với 67% các chuyên gia đang làm việc tại đây thấy thu nhập khả dụng của mình tăng lên và 68% có khả năng gia tăng tích lũy.

Hiện, các chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục (27%), marketing (16%), ngân hàng (11%). Đa số đến từ Mỹ (23%), Anh (17%), Australia (11%).

Nhìn chung châu Á có thế mạnh về yếu tố tăng khả năng tích lũy. Tại Trung Quốc, 68% chuyên gia có mức thu nhập khả dụng tăng và 65% có thể tích lũy nhiều hơn so với khi họ còn ở nước mình. Điều này khiến Trung Quốc trở thành một trong những điểm đến để cải thiện tài chính cá nhân, HSBC nhận định.

Mặc dù 85% các chuyên gia sống tại Hong Kong cho biết họ chi tiêu nhiều hơn vào nơi ở so với khi họ ở tại nước mình. 67% vẫn gia tăng thu nhập khả dụng hơn kể từ khi lưu chuyển và 61% nói họ có khả năng tăng tích lũy.

Tại Singapore, 65% các chuyên gia nói rằng mức thu nhập khả dụng của họ tăng và khoảng 1 trong 4 chuyên gia sống ở Ấn Độ (24%), Australia (23%) và Philippines (23%) nói họ có khả năng mua thêm bất động sản khi họ lưu chuyển.

Justin Bull, Giám đốc Tài sản cao cấp, Khối nghiên cứu Chuyên gia nước ngoài của HSBC tại Hồng Kông, kỳ vọng làn sóng các chuyên gia châu Á làm việc nội vùng sẽ gia tăng cùng với sự tăng trưởng và hội nhập kinh tế trong vùng. Khi ASEAN tiến gần hơn tới việc thành lập cộng đồng kinh tế chung, nhu cầu về nhân lực có tay nghề sẽ tăng để có thể nâng cao tính cạnh tranh cho khu vực.

Thêm vào đó, những thỏa thuận mới về thương mại và đầu tư kết nối các nền kinh tế với nhau sẽ khơi thông các vị trí tuyển dụng quốc tế giữa châu Á và các thị trường phát triển, Justin Bull cho biết.

Trường Văn