Chuyên gia nói gì về việc Eximbank - Sacombank sáp nhập
Trên thực tế, các thương vụ sáp nhập, hợp nhất diễn ra trong năm qua phần lớn phục vụ mục đích của lộ trình tái cơ cấu, sắp xếp hệ thống ngân hàng trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Habubank có nợ xấu quá nhiều, phải sáp nhập với SHB; còn các ngân hàng Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Sài Gòn hợp nhất với nhau thành một hệ thống khác cũng do không tự lèo lái được.
Trường hợp của Eximbank và Sacombank, việc sáp nhập có thể xuất phát từ nhiều lý do, nhưng theo đánh giá của không ít chuyên gia trong lĩnh vực này, không hẳn vì Sacombank quá khó khăn đến mức không thể tự cơ cấu.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu ủng hộ việc sáp nhập 2 ngân hàng này với nhau, để tạo nên một định chế tài chính có tầm cỡ, có khả năng cạnh tranh với các định chế khác trong khu vực.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý một số vấn đề liên quan đến việc sáp nhập. Trong đó, mục đích cuối cùng của sáp nhập là để tạo ra một ngân hàng lớn, có ưu thế cạnh tranh trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống, hay để tạo uy thế về quyền lực của một nhóm người?
Theo ông Hiếu, các cơ quan chức năng trong đó có Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán cần tham gia vào việc này sát sao, nắm được ý đồ, thành phần, chiến lược sáp nhập của các ngân hàng này.
Đồng thời, 2 ngân hàng là Eximbank và Sacombank cần minh bạch về ý đồ sáp nhập cũng như mọi thông tin khác liên quan đến tình hình hoạt động. Một số lưu ý được ông Nguyễn Trí Hiếu vạch ra là tỷ lệ sở hữu cổ phần, cổ phiếu của cổ đông và người có liên quan; quyền lợi của khách hàng gửi tiền, người đi vay, cổ đông của Sacombank khi sáp nhập vào Eximbank.
“Yếu tố mà khách hàng quan tâm, bên cạnh thế độc quyền hay cạnh tranh trong hoạt động, còn là quyền lợi. Liệu sau sáp nhập, người gửi tiền, đi vay sẽ được hưởng những quyền lợi gì. Các cổ đông của Sacombank sẽ được đối xử như thế nào? Điều này cần rõ ràng minh bạch trên tinh thần và mục tiêu chung là xây dựng ngân hàng mang tầm cỡ khu vực”, vị chuyên gia này nhận định.
Một chuyên gia khác bình luận, không phải đến giờ mà trước đây, thị trường đã xôn xao thông tin sáp nhập của Eximbank và Sacombank với việc ồ ạt mua cổ phiếu STB trên thị trường của cổ đông EIB.
“Đây có thể là mầm mống để Eximbank tăng quyền lực tại Sacombank. Do đó, chỉ khi sáp nhập vì mục đích trong sáng, tạo ra ngân hàng lớn, thống nhất quy mô hoạt động thì mới ủng hộ. Còn ngược lại nếu có dấu hiệu chỉ phục vụ một nhóm lợi ích, thì nên xem xét kỹ lưỡng vì nếu để lợi ích nhóm chi phối, nguy cơ lũng đoạn nền kinh tế là hiện hữu”, chuyên gia này chia sẻ.
Tuy nhiên, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần đánh giá, thương vụ này cũng là bình thường trong bối cảnh tái sắp xếp lại hệ thống, vì cả hai phía đều tự nguyện để thực hiện chủ trương tạo lập một ngân hàng cổ phần quy mô tầm cỡ khu vực của Ngân hàng Nhà nước.
Tại buổi họp 29/1, ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch HĐQT Eximbank cho biết đã từng bàn với ACB, Sacombank về việc hợp nhất 3 ngân hàng khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO. Do đó, việc hợp nhất Sacombank với Eximbank nằm trong kịch bản, cổ đông của Eximbank cũng rất phấn khởi với các khoản đầu tư vào Sacombank.Sáp nhập hai ngân hàng Sacombank và Eximbank có thể tạo ra định chế tài chính lớn, xứng tầm và có sức cạnh tranh trong khu vực.Việc hợp nhất cũng nhằm đảm bảo 4 nội dung là quyền lợi của quốc gia, quyền lợi của hệ thống ngân hàng, quyền lợi của cổ đông và quyền lợi của cán bộ công nhân viên.Ngoài ra, lãnh đạo Eximbank cho biết, theo nội dung tái cơ cấu đến năm 2012 của Ngân hàng Nhà nước là phải có ngân hàng đạt tầm cỡ quốc tế, nên việc hợp nhất hay sáp nhập 2 ngân hàng là hợp lý. |
Nguồn Infonet