Sabeco có thể xem như đã gián tiếp chỉ ra “một lỗ hổng” trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt. Ảnh: Quý Hòa
Chuyển giá nội địa: Lỗ hổng thấy từ Sabeco
Việt Nam, thời gian qua, đã rất nỗ lực tạo dựng những cơ sở pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá của các doanh nghiệp của ngành Thuế. Tuy nhiên, chuyển giá nội địa ngày một phổ biến, cùng với chuyển giá ở khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trở thành hình thức gây thất thu ngân sách lớn.
“Nhiều doanh nghiệp nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước, tiêu biểu là Sabeco”, Tổng Kiểm toán Nhà nước, ông Hồ Đức Phớc, cho biết, tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Chuyển giá - Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý hiện nay”, hôm 19.7.
“Dưới góc độ pháp lý, việc kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco có thể xem như đã gián tiếp chỉ ra “một lỗ hổng” trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành”, ông Phớc nói.
Pháp lý thiếu đồng bộ
Chuyển giá được thực hiện với mục đích của hoạt động chuyển giá là tối thiểu hóa nghĩa vụ tính nộp thuế trong tập đoàn, doanh nghiệp nhằm tối đa hóa lợi nhuận dựa vào chính sách ưu đãi hoặc sự khác biệt về thuế giữa các vùng, miền hay quốc gia.
Ông Hồ Đức Phớc cho rằng, những cơ sở pháp lý của ngành thuế trong hoạt động chống chuyển giá dần được tạo dựng. Tuy nhiên, hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam đến nay vẫn thiếu đồng bộ, hiệu lực thấp, dẫn đến thực thi chưa hiệu quả.
Chuyển giá nội địa, cùng với khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trở thành hình thức thất thu ngân sách lớn, làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế.
Khả năng ngày càng cao
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước Chuyên ngành VI, cho biết, với số lượng và giá trị các doanh nghiệp cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, đồng nghĩa với việc khả năng chuyển giá giữa các công ty con, công ty liên kết ngày càng cao.
Thực tế cho thấy, Chính phủ ngày càng chú trọng và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh ở tất cả các ngành kinh tế, thông qua hình thức cổ phần hóa các Doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, thực trạng này đặt ra vấn đề về công tác quản lý các công ty con (Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ), công ty liên kết có vốn nhà nước tham gia đầu tư nhưng chỉ nắm dưới 50% vốn điều lệ, trong đó có việc chống chuyển giá từ các công ty này cho các công ty thành viên mà các thành phần kinh tế khác nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Theo quyết định số 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020, kèm theo danh sách và chủ trương, lộ trình thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.
Trong đó, có 103 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 4 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá, Nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ; 27 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá, Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ; 106 doanh nghiệp cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, theo Quyết định 707/QĐ-TTg về phê duyệt đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020”, việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước phải đáp ứng tối thiểu 250.000 tỷ đồng vốn cho đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết 26/2016/QH14 của Quốc hội đã đề ra.
Chỉ tính trong giai đoạn 2011 - 2015, cả nước sắp xếp được 588 doanh nghiệp, trong đó, cổ phần hoá 508 đơn vị với tổng giá trị là 760.774 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 188.274 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 2 năm đầu tiên của giai đoạn 2011-2015 chỉ cổ phần hóa được 25 đơn vị.
Năm 2016, năm đầu tiên thực hiện tiến trình cổ phần hóa giai đoạn 2016 - 2020 đã khá hơn, nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường chứng khoán khởi sắc, thuận lợi cho việc bán vốn. Kết quả đã có 56 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với giá trị doanh nghiệp là 34.017 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 24.390 tỷ đồng.
Theo quan sát của ông Nguyễn Anh Tuấn, các công ty thường chuyển giá thông qua 4 hình thức chính: Đóng góp đầu tư, chuyển giao công nghệ, chi phí lãi vay và cung cấp nguyên vật liệu, hàng hóa để tối thiểu hóa thuế.
Trên thực tế, chuyển giá, lĩnh vực rất phức tạp cả về pháp lý và kỹ thuật quản lý, thường liên quan đến các công ty đa quốc gia, các tập đoàn kinh tế lớn.
Tổng Kiểm toán Nhà nước thừa nhận, công tác kiểm toán chống chuyển giá “chưa bao giờ được đưa ra bàn thảo và triển khai thực hiện một cách chính thức, hệ thống, đầy đủ đúng với bản chất của nó” để hoàn thiện quy định của pháp luật, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước.