Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam. Ảnh: Quochoi.

 
Mai Khanh Thứ Hai | 06/12/2021 20:45

Chuyên gia kinh tế trưởng ADB: Gói hỗ trợ có thể nâng lên khoảng 5-7% GDP

Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB cho rằng gói ngân sách hỗ trợ cho nền kinh tế hiện mới chưa đến 3% GDP nên có thể nâng lên khoảng 5-7% GDP.

Theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), hầu hết các nước châu Á - vốn thích ứng tốt hơn với đại dịch COVID-19 trong năm 2020 so với phương Tây - hiện đang bị chậm lại phía sau bởi dịch bệnh tái bùng phát trong khi tốc độ tiêm chủng còn chậm và buộc phải áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh tế và xã hội.

Trong bối cảnh này, các nước châu Á đều phải tiếp tục các chính sách tài khóa mở rộng để ứng phó với dịch bệnh và kích thích kinh tế. Dựa trên những kinh nghiệm từ các nước trong khu vực, ADB đã rút ra kinh nghiệm và đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam để phục hồi và phát triển kinh tế thời gian tới.

Ngày 5/12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp Ban Kinh tế Trung ương và Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững”.

N
Đầu tư công tiếp tục là trụ đỡ của phát triển kinh tế trong giai đoạn tiếp theo. Ảnh: TL.

Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho biết do khủng hoảng kinh tế - xã hội lần này xuất phát từ dịch COVID-19 mà không phải xuất phát từ khủng hoảng kinh tế - tài chính, vì vậy các giải pháp chuyên môn về y tế vẫn mang tính chất quyết định và chủ yếu, còn chính sách kinh tế vĩ mô là các công cụ mang tính hỗ trợ. 

Ông cho rằng Việt Nam cần có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu và cải thiện hiệu quả chi ngân sách nhà nước để thiết lập lại kỷ luật tài khóa trong vòng 3-5 năm sau, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia trong giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, ông nhấn mạnh các gói hỗ trợ tài khóa là hết sức cần thiết. Gói ngân sách hỗ trợ cho nền kinh tế hiện mới chưa đến 3% GDP nên có thể nâng lên khoảng 5-7% GDP. 

Trong ngắn hạn, mục tiêu của gói hỗ trợ tài khóa là kiềm chế đại dịch, giảm thiểu tác động về y tế và kinh tế nên sẽ cần dành ưu tiên cho chi tiêu y tế, đảm bảo an sinh xã hội đối với người dân và người lao động (đặc biệt là lao động tự do, lao động không chính thức), hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp hướng vào các ngành lan tỏa và các doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh sau đại dịch; các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó các khoản trợ cấp trực tiếp vẫn đóng vai trò quan trọng. 

Quy mô của chính sách tài khóa của một số quốc gia châu Á (Đơn vị: %GDP) Nguồn: IMF/ADB
Quy mô của chính sách tài khóa của một số quốc gia châu Á (Đơn vị: %GDP) Nguồn: IMF/ADB

Về dài hạn với mục tiêu hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, các biện pháp tài khóa trong giai đoạn này cần chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, từ hỗ trợ về tài chính sang hỗ trợ về cơ chế, từ hỗ trợ số nhiều sang số ít các đối tượng còn chịu ảnh hưởng lâu dài của đại dịch, hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh, bền vững. 

Bên cạnh đó, đầu tư công tiếp tục là trụ đỡ của phát triển kinh tế trong giai đoạn tiếp theo. Ông nhấn mạnh cần tiếp tục coi giải ngân vốn đầu tư công như một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022-2023 để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế sau giãn cách