Thứ Sáu | 05/10/2012 13:46

Chuyên gia IMF: Việt Nam cần minh bạch trong tái cơ cấu ngân hàng

Việc tái cơ cấu, bao gồm xử lý nợ xấu nên thực hiện như cuộc marathon, tức cần giải quyết lâu dài, từ từ và thận trọng, chuyên gia IMF cho hay.
Sáng nay, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Văn phòng Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Hà Nội tổ chức hội thảo "Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới".

Tại hội thảo, đánh giá về quá trình tái cơ cấu kinh tế Việt Nam, ông Sanjay Kalra, đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam cho hay, một trong những vấn đề quan trọng là thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, bởi nếu ngành ngân hàng xảy ra khó khăn thì Chính phủ cũng sẽ phải hỗ trợ, từ đó có ảnh hưởng nhất định đến nợ công.

Trong quá trình tái cơ cấu, việc giải quyết nợ xấu cần được ưu tiên hàng đầu và giải quyết triệt để, theo chuyên gia của IMF. Dẫn số liệu từ Cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước, hết 31/3/2012, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng lên tới 8,6%, gấp đôi mức nợ xấu mà các tổ chức tín dụng báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước.

Ông Sanjay Kalra cho biết, hiện nay IMF và ngân hàng Thế giới (WB) đã có những thảo luận tích cực với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính về xử lý nợ xấu, trong đó có đánh giá mức độ nợ xấu trầm trọng ở mức nào và nợ xấu đang tập trung nhiều ở khu vực doanh nghiệp nào.

Tại cuộc họp báo ngày 5/10, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cũng khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam cần có những điều hành rõ ràng trong quản lý hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng cũng cần phải công bố thông tin minh bạch và giám sát việc sở hữu chéo trong hệ thống.

Nếu phân tích được những yếu tố trên thì mới giải quyết được nợ xấu. Việt Nam không nên vội vàng trong các quyết định, nhưng khi đưa ra các quyết định thì cần minh bạch, ông nói.

Việc thực hiện cải cách, trong đó có nợ xấu nên thực hiện như cuộc marathon, tức cần thực hiện một cách lâu dài, từ từ và thận trọng, chuyên gia của IMF nhận xét.

Liên quan đến việc cấp tín dụng, vị chuyên gia này đánh giá, vấn đề ở Việt Nam là có tiền nhưng không thể cho vay, nguyên nhân do ngân hàng hạn chế số đối tượng được vay vốn vì lo ngại ảnh hưởng tới nợ xấu.

Theo số liệu từ họp báo của Chính phủ mới đây, tính đến ngày 20/9, tổng dư nợ tín dụng tăng khoảng 2,35% so với cuối năm 2011, cách xa mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đề ra là 8 - 10%. Trong khi đó, trong tháng 8, Ngân hàng Nhà nước lại cho phép một số tổ chức tín dụng được tăng trần hạn mức tăng trưởng lên 27 - 30%.

Chuyên gia của IMF khuyến nghị, để có thêm nguồn lực cũng như chống chọi tốt với các sú shock ở bên ngoài, Chính phủ cần thực hiện chế độ tỷ giá linh hoạt, từ đó sẽ có mức dự trữ ngoại hối tốt, tạo ra khoảng không chính sách để điều hành kinh tế tốt hơn.

Nguồn Khampha


Sự kiện