Thứ Năm | 01/11/2012 14:40

Chuyên gia cho rằng nên tạo thị trường mua bán nợ xấu

Để xử lý nợ xấu nhanh, hiệu quả, cần chuyển nợ xấu qua Công ty AMC, tuy nhiên trước đó ngân hàng phải công khai khoản nợ xấu này.
Tại cuộc hội thảo “Kết nối đầu tư” do Công ty Chứng khoán Bản Việt tổ chức mới đây, các diễn giả đã đề cập và đưa ra các ý kiến để xử lý nợ xấu tại Việt Nam. Trong đó, đại diện IMF tại Việt Nam – ông Sanjay Kalra cho rằng, muốn giải quyết nợ xấu phải tạo thị trường để mua bán nợ xấu. Nên coi việc giải quyết nợ xấu là một phần trong bức tranh tái cấu trúc ngân hàng.

Theo nhiều định chế tài chính quốc tế, để xử lý nợ xấu nhanh, hiệu quả, cần chuyển nợ xấu qua Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản (AMC), tuy nhiên trước đó ngân hàng phải công khai khoản nợ xấu này. Bên cạnh đó cần phải vốn hoá chính xác tài sản thế chấp để thu lại một phần vốn của ngân hàng từ tài sản đảm bảo, ông Brett Krause – Tổng giám đốc Citibank Việt Nam cho biết.

Một giải pháp nữa để tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém là mua bán, sáp nhập. Hiện việc sáp nhập ngân hàng đang diễn ra, có thể có sự kết hợp giữa ngân hàng mạnh với ngân hàng yếu, nhưng có thể là những ngân hàng hoàn toàn mạnh khỏe song vẫn sáp nhập để tăng năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên quan trọng nhất, theo ông Sanjay Kalra, vấn đề là phải có chương trình và lộ trình cụ thể để làm sao sau sáp nhập việc quản trị được tốt, vì nó không đơn giản là phép cộng và cần phải làm thế nào để khôi phục niềm tin đối với hệ thống ngân hàng.

Do vậy, trong tái cấu trúc ngành ngân hàng, việc đầu tiên là phải củng cố lại các quy định hoạt động trong ngân hàng cho chặt chẽ hơn, đặc biệt cần thiết phải áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế đối với hoạt động ngân hàng.

Hiện nay, giữa IMF và WB đang phối hợp để đưa ra những đánh giá chung cho ngân hàng Việt Nam, khoảng trong 6-7 tháng nữa sẽ hoàn tất. Theo quan điểm của ông Sanjay Kalra, để lành mạnh hoá ngân hàng thương mại cần phải có sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.

Nguồn Thời báo Ngân hàng


Sự kiện