Thứ Tư | 28/03/2012 11:02

Chuyên gia cho rằng nên gia hạn phát hành chứng chỉ huy động vàng

Một số ý kiến cho rằng, việc lãi suất huy động vàng tăng cao gần đây là do ngân hàng tranh thủ thu hút người gửi vàng trước khi phải ngừng hẳn.
Thời gian qua, trong khi giá vàng có chiều hướng giảm thì lãi suất huy động vàng ở một số ngân hàng thương mại lại liên tục được đẩy lên cao.

Hầu hết các ngân hàng thương mại đang huy động lãi suất từ 2% đến 4%. Hiện nay, lãi suất huy động cao nhất là 4,5%/năm tại ngân hàng SCB dành cho khách hàng gửi 100 lượng vàng trở lên.

Tại ngân hàng Nam Á, lãi suất chứng chỉ huy động vàng kỳ hạn 1 tháng lên đến 4%/năm.

Có ý kiến cho rằng, việc lãi suất huy động chứng chỉ vàng tăng cao là do ngân hàng muốn tranh thủ thu hút thêm người dân gửi vàng, trước khi Thông tư 11 ban hành năm 2011 có hiệu lực.

Theo Thông tư 11, từ 1/5/2011, các ngân hàng phải ngừng cho vay vốn bằng vàng và ngừng huy động vàng trừ trường hợp huy động vàng bằng chứng chỉ. Tuy nhiên, từ 1/5/2012, việc huy động vàng bằng chứng chỉ cũng chính thức chấm dứt.


Tuy nhiên , theo một chuyên gia tài chính, nguồn lực vàng tích trữ trong dân hiện còn rất nhiều. Nếu từ đầu tháng 5 tới, các ngân hàng chỉ giữ hộ vàng cho dân, người gửi vàng sẽ phải trả phí cho ngân hàng hoặc ngân hàng có thể tính lãi suất 0% thì chưa chắc đã phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

"Chúng ta đang cố gắng khai thác nguồn vàng từ trong dân nhưng chưa được. Nay ngân hàng không phát hành chứng chỉ vàng nữa, e rằng người dân sẽ không gửi, thậm chí những người đang gửi sẽ rút vàng ra khỏi hệ thống” - vị này nói.

Theo một chuyên gia khác, trong lúc nghị định quản lý vàng chưa được ban hành, chúng ta chưa có giải pháp nào cụ thể thì nên gia hạn thời gian áp dụng thông tư này. Đây là cách duy trì sự ổn định của thị trường, đặc biệt là không làm xáo trộn tâm lý người dân trong tình hình hiện nay.

Nguồn Pháp luật TPHCM


Sự kiện