Thứ Tư | 03/12/2014 20:39

Chuyên gia ANZ: Ảnh hưởng của giảm giá dầu lên kinh tế Việt Nam năm 2015 gần như không đáng kể

Theo ông Glenn B.Maguire, với Việt Nam, giá dầu giảm 10% trên 4 quý làm giảm 0,1% GDP, làm lạm phát giảm 2,6-2,7%; dầu rớt giá 30% làm giảm 0,3% GDP.

Sáng nay (3/12), ANZ tổ chức hội nghị “Cập nhật tình hình kinh tế thế giới 2015”chia sẻ đánh giá của Bộ phận nghiên cứu, phân tích ngân hàng về kinh tế thế giới cũng như Việt Nam.

Phóng viên NDH đã có cuộc phỏng vấn với ông Glenn B. Maguire – Kinh tế gia trưởng ANZ khu vực Nam Á, ASEAN và Thái Bình Dương về kinh tế Việt Nam và dự báo cho năm 2015.

Ông Glenn B. Maguire

Chào ông, tại báo cáo của ANZ ông có nói đến sự hoài nghi về số liệu tăng trưởng GDP quý III của Việt Nam. Ông có thể cho biết cơ sở của sự hoài nghi này?

Phải thừa nhận rằng tăng trưởng GDP quý III của Việt Nam so với cùng kỳ năm trước đạt 6,19% là khá cao nếu so với các quốc gia láng giềng. Tăng trưởng GDP là nhiệt kế đo sức khỏe kinh tế VN, tuy nhiên chúng ta cần phải xem nguyên nhân tăng trưởng kinh tế đến từ đâu? Từ đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI hay xuất khẩu hay tiêu dùng trong nước.

Quan điểm của ANZ, tăng trưởng kinh tế đến từ tiêu dùng trong nước sẽ tốt hơn nhưng với tình hình kinh tế Việt Nam hiện tại thì có chút băn khoăn bởi chỉ số doanh số bán lẻ (retail sale) thấp hơn nhưng tăng trưởng kinh tế lại tốt. Theo tôi đó là rủi ro với kinh tế Việt Nam.

Thời gian tới chắc chắn kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục hồi phục nhưng tốc độ hồi phục như thế nào là điều đáng quan tâm. Tôi e rằng tốc độ hồi phục của Việt cũng không cao trong thời gian tới.

Quan trọng hơn là sự bền vững của quá trình hồi phục. Ví dụ như tăng trưởng GDP duy trì mức từ 5,8-6%/năm là ổn, nếu tăng trưởng trên 6% nhưng không phải đến từ cầu trong nước thì cũng chưa hẳn là tín hiệu tốt.

ANZ dự báo năm 2015 tăng trưởng GDP của Việt Nam khoảng 5,8%.

Đối với tỷ lệ lam phát của Việt Nam, ANZ có đánh giá như thế nào về xu hướng lạm phát trong năm 2015?

Năm 2015 kinh tế Việt Nam sẽ hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực do đó xu hướng lạm phát của Việt Nam sẽ không chỉ phụ thuộc vào nội tại kinh tế Việt Nam mà chắc chắn sẽ tăng giảm theo biến động của kinh tế của khu vực.

Tại ANZ chúng tôi sử dụng thêm Chỉ số lòng tin người tiêu dùng (CCI) làm chỉ số dẫn hướng cho Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) do giá tăng hay giảm phụ thuộc rất nhiều vào hành vi và niềm tin của người tiêu dùng.

Lòng tin tiêu dùng lại phụ thuộc vào việc giá cả tăng như thế nào. Nếu giá tăng từ từ thì lòng tin người tiêu dùng cũng sẽ được củng cố. Do vậy, để biết xu hướng lạm phát tại Việt Nam, thời gian tới chúng ta nên theo dõi Chỉ số lòng tin tiêu dùng của các nước ASEAN vì lạm phát của Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào nền kinh tế khu vực.

Một vấn đề đang được nhiều người quan tâm là giá dầu giảm ảnh hưởng đến thu ngân sách Việt Nam. Theo ước tính của Chính phủ Việt Nam thì giá dầu giảm 1 USD thì ngân sách hụt thu 20.000 tỷ đồng. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Với giá dầu giảm, quan điểm cá nhân tôi cần có cái nhìn tổng thể hơn. Giá dầu giảm đương nhiên làm giảm nguồn thu cho ngân sách nhưng cũng làm giảm lạm phát, đồng thời cũng làm tăng ngân sách nhờ tăng trưởng từ hoạt động xuất khẩu.

Giá dầu giảm dẫn tới giảm nguồn thu. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của ANZ, giá dầu giảm tác động ít tới tăng trưởng GDP của các nước nhập khẩu dầu ròng. Với Việt Nam, giá dầu giảm 10% trên 4 quý liên tiếp chỉ giảm 0,1% GDP và với mức độ rớt giá 30% thì cũng chỉ làm giảm 0,3% GDP.

Tuy nhiên, nhìn ở phía lạm phát thì thấy giá dầu giảm giúp làm giảm giá nguyên liệu đầu vào sản xuất nhiều ngành kinh tế, giảm giá vận chuyển hàng hóa,… giúp hàng hóa xuất khẩu Việt Nam cạnh tranh hơn. Theo tính toán, tác động gộp của giảm 10% giá dầu trong 4 quý liên tiếp có thể giúp lạm phát giảm 2,6-2,7%.

Do đó, ảnh hưởng của giảm giá dầu lên kinh tế Việt Nam trong năm 2015 là gần như không đáng kể.


Thứ tự từ trái sang: Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Myanmar, Singpore, Thái Lan, Philipin.Phần lớn các nước Asean đều nhập khẩu dầu ròng: Giá dầu giảm thường thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và GDP ở mọi quốc gia

USD đang tăng giá, lạm phát tại Việt Nam ở mức thấp, tăng trưởng nền kinh tế dựa vào xuất khẩu. Theo quan điểm cá nhân của ông, NHNN có nên điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ cho nền kinh tế? Nếu có thì mức điều chỉnh bao nhiêu là hợp lý?

Tất nhiên là có. Có 2 lý do nên điều chỉnh tỷ giá trong năm 2015. Thứ nhất, USD đang mạnh lên do chính sách của FED, và nếu Việt Nam neo giữ tỷ giá thì sẽ tự đồng làm giảm mức độ cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam với các quốc gia khác.

Lý do thứ 2, hầu hết hàng hóa nguyên liệu được giao dịch trên thế giới đều bằng USD, khi USD mạnh lên thì giá hàng hóa giảm xuống dẫn tới lạm phát cũng giảm theo. Lạm phát giảm là điều kiện để điều chỉnh tăng tỷ giá. Vì vậy, tôi cho rằng phá giá VND là chính sách tốt trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Chúng tôi dự đoán tỷ giá có thể điều chỉnh 1% vào tháng 3/2015 sau đó dao động trong biên độ và vào khoảng tháng 9 -10/2015 sẽ có thể điều chỉnh thêm 1%. Như vậy, cả năm 2015 tỷ giá có thể điều chỉnh 2%.

Xin cảm ơn ông !

Nguồn NDH