Thứ Hai | 29/06/2015 02:30

Chuyện gì đang xảy ra ở JVC?

Trước các biến động gần đây, giới đầu tư không khỏi thấp thỏm lo sợ về khả năng JVC có thể là một “Dược Viễn Đông thứ hai”.

Ông Lê Văn Hướng, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật ( JVC), vừa bị tạm giam để điều tra về tội lừa dối khách hàng, theo thông tin cập nhật chiều ngày 25.6. Ông Hướng bị cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố ngày 17.6. Như vậy, tin công bố đã muộn hơn 7 ngày so với diễn biến thực tế.

Tin ông Hướng bị tạm giam đã ít nhiều hé lộ nguyên nhân vì sao giá cổ phiếu JVC giảm thê thảm, vì sao ông Hướng không lên tiếng lúc cổ phiếu trong tình trạng “dầu sôi lửa bỏng” và vì sao người sáng lập JVC lại đột ngột rời khỏi các chức vụ đang nắm giữ.

Đã hơn nửa tháng kể từ thời điểm bị dính tin đồn liên quan đến hoạt động JVC có vấn đề và dự án JVC tại Bệnh viện Bình Định bị khiếu nại và cả tin đồn lãnh đạo bị bắt, Công ty mới công bố những thông tin mang tính vén màn sự thật, giải tỏa thắc mắc của dư luận. Trước đó, từ nhà đầu tư đến giới phân tích gần như  bị quay mòng mòng trong một mớ thông tin mơ hồ.

Đầu tiên, ngày 13.6, tức sau 3 ngày xảy ra tin đồn, trên website của JVC mới xuất hiện văn bản mang nội dung đính chính tin đồn. Trong văn bản lập trước đó 1 ngày, JVC chỉ gạch đầu dòng 2 ý ngắn gọn, khẳng định JVC vẫn đang hoạt động bình thường và dự án JVC ở Bình Định không bị khiếu nại. Với nhiều nhà đầu tư, thông tin này có giá trị nhờ vào mộc đỏ, chữ ký của ông Hướng, chứ không ai cảm thấy thỏa mãn. Một số quỹ đầu tư đã tìm cách liên hệ với lãnh đạo JVC để xác định thực hư mà không được.

Kết quả là giá cổ phiếu JVC vẫn liên tục giảm sàn và chỉ sau 8 phiên ngắn ngủi (từ ngày 10-19.6), đã giảm gần 40%, mức giảm mà theo nhiều nhà đầu tư là khó có thể tin được. Trước đà giảm này, không chỉ nhà đầu tư nội tháo chạy khỏi cổ phiếu JVC dưới áp lực cắt lỗ và giải chấp, mà khối ngoại cũng tìm đường bán bớt.

Cụ thể, khối ngoại đã bán ròng gần 1 triệu cổ phiếu JVC trong khoảng thời gian trên. Đặc biệt, ngày 15.6, quỹ Amersham Industries Limited và quỹ  DC Developing Markets Strategies do Dragon Capital quản lý đã bán ra hơn 430.000 cổ phiếu, giảm sở hữu ở JVC từ mức 9,9% vốn xuống còn 8,83% vốn.

Không ai được biết, ngày 15.6 là thời điểm bà Nguyễn Phương Hạnh, Phó Tổng Giám đốc JVC, cũng là vợ ông Hướng, đã bán ra 1,8 triệu cổ phiếu, giảm tỉ lệ nắm giữ tại JVC xuống còn 0,08% vốn. Nhà đầu tư đã thắc mắc vì sao giao dịch trên sàn của cổ phiếu JVC lại khớp ở mức “khủng” 12,4 triệu cổ phiếu trong ngày hôm đó. Phải đến ngày 24.6, bà Hạnh mới có công văn giải trình rằng Công ty Chứng khoán Phú Hưng, nơi bà Hạnh vay ký quỹ (tỉ lệ 50%) để mua cổ phiếu JVC, đã tự động bán ra để thu hồi nợ.

Đó là thông tin được công bố quá muộn màng. Trước đó, cổ phiếu JVC vẫn tiếp tục rơi tự do với lệnh bán áp đảo khi Công ty công bố Nghị quyết Hội đồng Quản trị về bãi nhiệm các chức vụ của ông Hướng ở JVC (ngày 21.6).  Ông Kyohei Hosono, người đại diện của quỹ DI Asian Industrial Fund (cổ đông nắm 19,35% vốn điều lệ) lên thay vị trí Chủ tịch. Riêng chức vụ Tổng Giám đốc JVC được giao cho ông Nguyễn Hữu Hiếu. Đáng chú ý, ông Hiếu sinh năm 1981, là em vợ của ông Lê Văn Hướng và chưa từng nằm trong cơ cấu lãnh đạo, điều hành Công ty.

Việc rời ghế của ông Hướng đã là sự kiện nóng sốt khi đó. Trên các diễn đàn đầu tư, nhiều người lập luận rằng, phải có gì uẩn khúc thì người đứng đầu ở JVC mới rời khỏi bộ máy lãnh đạo một cách bất ngờ. Giờ đây, khi thông tin sáng tỏ, nhà đầu tư vỡ lẽ “có lửa mới có khói”. Kết quả là cổ phiếu JVC tiếp tục rớt giá thê thảm. Tính đến cuối tuần qua, hơn phân nửa giá trị đầu tư không kịp tháo chạy của cổ đông JVC đã bị bốc hơi, từ mức 21.200 đồng/cổ phiếu (ngày 9.6) xuống còn 9.300 đồng/cổ phiếu (26.6).

Bỏ qua khía cạnh liên quan đến công bố thông tin, ở đây bài viết chỉ nhìn ở góc độ đầu tư và kinh doanh. Lâu nay, JVC là đơn vị được giới đầu tư đánh giá cao. Giới hạn sở hữu (room) dành cho nhà đầu tư nước ngoài luôn đụng trần 48-49%. Đặc biệt, như chia sẻ của ông Nguyễn Chí Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Rồng Việt, JVC luôn nằm trong nhóm cổ phiếu được các công ty chứng khoán dành cho hạn mức margin (ký quỹ) cao nhất.

Ngoại trừ năm 2013, JVC là doanh nghiệp có thành tích kinh doanh vượt trội. Năm 2014, theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, JVC đạt tăng trưởng doanh thu gấp đôi, vượt 1.000 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 219 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay và tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2013. JVC tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng cao cho cả doanh thu lẫn lợi nhuận năm 2015. Theo đó, doanh thu ước tăng 25% và lợi nhuận sau thuế tăng 39% so với năm trước.

Chuyen gi dang xay ra o JVC?

Cơ sở để JVC theo đuổi những mục tiêu này là vì Công ty đang hoạt động trong những ngành tăng trưởng cao. Năm 2014, các mảng hoạt động của JVC đều đạt tăng trưởng 30-70%. Công ty có lợi thế là nhà phân phối thiết bị y tế lớn ở Việt Nam, nắm thị phần cung cấp thiết bị chẩn đoán hình ảnh lớn nhất (40%), đang phân phối độc quyền hoặc phân phối trực tiếp cho nhiều hãng sản xuất thiết bị y tế nổi tiếng thế giới như Hitachi, Fuji, GE, Toray, Konica, Horizon….

Đáng chú ý, nhờ vào các mối quen biết, 75% doanh thu của JVC là từ bán hàng trực tiếp. Cách thức phân phối này giúp JVC có lợi nhuận tốt và tạo được lợi thế cạnh tranh. Năm ngoái, 83% doanh thu của JVC đến từ mảng phân phối thiết bị y tế.

Tuy nhiên, thiết bị y tế là lĩnh vực đặc thù khi kinh doanh phụ thuộc vào khách hàng là các bệnh viện, Chính phủ và các tổ chức tài trợ nước ngoài. Bởi thế, vào năm 2013, khi Chính phủ tạm ngừng giải ngân một số dự án và Ngân hàng Thế giới, Global Fund chậm thanh toán cho các dự án đầu tư y tế thì doanh thu năm 2013 của JVC cũng sụt giảm 28%.

JVC đã chuyển đầu tư vào mảng liên kết đầu tư, khám bệnh lưu động, mở rộng thêm trung tâm kỹ thuật cao, triển khai mô hình tổng thầu vật tư tiêu hao (SPD) như một cách tìm kiếm lợi nhuận cao. Chẳng hạn, dịch vụ xe khám lưu động cho mức biên lợi nhuận gộp trên 50%. Còn với dịch vụ liên kết cung cấp thiết bị y tế cho bệnh viện, JVC được chia 60-70% lợi nhuận.

Tiềm năng của các mảng nói trên là rất lớn. Bằng chứng là JVC mới chỉ đáp ứng 1-2% nhu cầu khám chữa bệnh lưu động cũng như thị trường cần đến 3.600 thiết bị y tế mới theo hình thức liên kết đầu tư.

JVC đã có kế hoạch dành 140 tỉ đồng để đầu tư thêm 100 xe khám bệnh lưu động, chi 426 tỉ đồng để đầu tư máy chẩn đoán hình ảnh cho 21 bệnh viện mà Công ty thương thảo thành công. JVC cũng cần 316 tỉ đồng để đầu tư 3 trung tâm kỹ thuật cao ở 3 bệnh viện tại TP.HCM.

Để có vốn đầu tư, cuối năm ngoái, JVC huy động 750 tỉ đồng từ phát hành cổ phiếu. Kể từ khi lên sàn, Công ty đã tăng vốn lên 1.125 tỉ đồng, gấp 5 lần so với thời điểm mới chào sàn (năm 2011). Các đợt gọi vốn đều thành công vì nhà đầu tư tin tưởng vào triển vọng xán lạn của công ty này.

Thế nhưng, giờ đây, trước các biến động giá cổ phiếu, cơ cấu sở hữu và nhân sự, đặc biệt là trước thông tin ông Hướng bị tạm giam, giới đầu tư không khỏi thấp thỏm lo sợ về khả năng JVC có thể là một “Dược Viễn Đông thứ hai”.

Nhiều nhà đầu tư chưa thể nào quên bài học Dược Viễn Đông. Trước khi bị phía chủ nợ là Ngân hàng ANZ nộp đơn yêu cầu phá sản Dược Viễn Đông (năm 2011), công ty này cũng có kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh (2009-2010). Nhưng đột nhiên người đứng đầu Công ty bị bắt với tội danh làm giá cổ phiếu, sau đó vỡ lỡ tài sản của Dược Viễn Đông đều hình thành từ vay nợ và được thế chấp hết, với tổng nợ gấp 8 lần vốn điều lệ. Tăng trưởng của Dược Viễn Đông hóa ra là nhờ vào dòng tiền đầu tư.

Nhìn lại trường hợp JVC, diễn biến cũng có nét tương tự. Đi cùng những thông tin bất lợi, việc công bố về nợ và tài sản ở JVC cũng không ít rối rắm và báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất ở JVC là tính cho 15 tháng, khiến nhà đầu tư càng khó nắm bắt tình hình.

Xét kỹ JVC hoạt động trong lĩnh vực khá nhạy cảm. Ở đó, thắng thua đôi khi không phải nhờ năng lực mà nhờ các mối quen biết, cậy dựa phía sau. JVC có thể ngã ngựa khi đi vào lằn ranh không được phép. Lo sợ này có cơ sở không và mức ảnh hưởng ra sao vẫn chờ thêm kết luận từ cơ quan điều tra cũng như những đánh giá chi tiết khác.

Trước mắt, nhà đầu tư đang băn khoăn về khoản phải thu hơn 650 tỉ đồng ở JVC (tính đến ngày 31.3.2015). Theo Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, nếu loại trừ khoản này, giá trị sổ sách của cổ phiếu JVC chỉ còn khoảng 11.000 đồng/cổ phiếu.

Ngọc Thủy