Quý Hòa
Chuyển động mới ở Eximbank
→Eximbank bán bớt vốn tại Sacombank
Ông Lê Văn Quyết, thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Eximbank, tin rằng cổ phiếu EIB sẽ sớm thoát khỏi trạng thái “cảnh báo” suốt 2 năm qua, do lỗ lũy kế.
EIB tăng giá trong bối cảnh thị trường chung khởi sắc, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng đều tăng. Tuy nhiên, các dữ kiện mới do lãnh đạo Eximbank cung cấp cho thấy Ngân hàng đang có những đổi thay lớn. Năm 2017, lợi nhuận Eximbank dự kiến khoảng trên 1.000 tỉ đồng, gấp 2,5 lần lợi nhuận năm 2016 và đạt trên 169% so với kế hoạch. Theo ông Quyết, dù mức lợi nhuận vẫn còn khiêm tốn, nhưng “đây là dấu hiệu khả quan do suốt 5 năm qua Eximbank gần như không có lãi”.
Trước đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2017, lợi nhuận trước thuế của Eximbank lũy kế 9 tháng đầu năm đạt gần 457 tỉ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Thực tế, lợi nhuận khả quan là nhờ khoản trích lập dự phòng trong kỳ đã giảm đáng kể. Còn những ngày cuối năm, Eximbank lại ghi nhận khoản lợi nhuận khả quan khác từ hoạt động thoái vốn tại Sacombank, vốn cũng trải qua xu hướng tăng giá cổ phiếu thời gian gần đây.
Chỉ trong vòng 1 tháng tính đến thời điểm này, Eximbank đã bán ra đến 110 triệu cổ phiếu STB của Sacombank. Theo số liệu mới nhất, Eximbank hiện còn giữ gần 50 triệu cổ phiếu STB và dự kiến sẽ thoái hết vốn trong tháng 1.2018. Với mức giá và khối lượng giao dịch như trên, phần lợi nhuận từ hoạt động thoái vốn đóng góp đáng kể vào lợi nhuận đạt được trong năm 2017 và dự kiến cho cả năm nay, ông Quyết cho biết.
Sự song hành tăng giá của EIB và STB đang mang lại lợi ích cho cả hai. Tuy nhiên, với Eximbank, cổ phiếu tăng giá cũng là lúc thị trường bỗng “giật mình” nhìn lại về định hướng tương lai của cổ đông ngoại. Trước đó, hàng loạt các ngân hàng đã và đang điều chỉnh lại chiến lược tại thị trường Việt Nam, có thể chia thành 2 trường hợp. Nhóm thoái vốn khỏi ngân hàng đối tác như trường hợp Standard Chartered Bank và ACB gần đây, trước đó là HSBC và Techcombank. Hoặc các ngân hàng ngoại khác thu hẹp hoạt động như động thái chuyển nhượng của ANZ Việt Nam hay Common Wealth Bank (Úc). Tại Eximbank, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) là cổ đông chiến lược đang nắm giữ 15% vốn điều lệ của ngân hàng này.
Tuy nhiên, lo lắng nay có vẻ hơi thừa. Ông Yutaka Moriwaki, thành viên Hội đồng Quản trị Eximbank, cũng là đại diện cho phần vốn của tổ chức đầu tư Nhật này, cho biết với vai trò là cổ đông, SMBC cảm thấy hài lòng khi giá EIB tăng, nhưng SMBC không có ý định bán ra mà ngược lại còn mong muốn mua thêm cổ phiếu EIB, nếu được sự cho phép của cơ quan quản lý. “Hiện chúng tôi có 7 chuyên gia từ SMBC đến Eximbank nhằm hỗ trợ hết mình”, ông Moriwaki cho biết.
Thật khó tưởng tượng nổi nếu cổ đông SMBC ra đi, bởi người Nhật đang giữ vai trò được xem là “đầu tàu” hiện nay tại Eximbank. Trước đó, tháng 4.2017, ông Yutaka Moriwaki ra mắt với vai trò “kiến trúc sư trưởng” cho một “Eximbank mới”. Trưởng ban Dự án tái cấu trúc Eximbank đã trả lời báo giới về dự án của Ngân hàng với mục tiêu giải quyết các tồn tại liên quan đến con người và định hướng kinh doanh.
Theo đó, trong năm qua, hệ thống của Eximbank đã có những thay đổi đáng kể. Ở khối nhân sự cấp cao, ban điều hành mới chỉ còn 7 người thay vì 15 thành viên như trước. Một số nhân sự được điều chuyển vị trí mới, hoặc thay thế.
Bên cạnh việc tinh gọn bộ máy quản lý, khối nhân sự cấp trung và cấp nhân viên cũng thay đổi. “Tinh giản bộ máy không phải là giảm số lượng nhân viên. Vấn đề hiện tại của Eximbank là đội ngũ bán hang mỏng và chất lượng chưa cao”, ông Moriwaki cho biết. Chính vì thế, Eximbank đang dần đưa nhân sự bộ phận hỗ trợ liên quan sang bán hàng, với sự điều chỉnh kỹ năng cần thiết. Bên cạnh đó, đối tác Nhật đưa thêm yếu tố công nghệ, hệ thống đều tập trung vào nhóm bán hàng.
Eximbank đã thu hẹp cấu trúc hoạt động, từ mô hình 9 khối, trung tâm, phòng ban hiện tại ở Hội sở chính thành 7 khối. “Trong quản trị nội bộ, chúng tôi đã hoàn tất việc thiết lập KPI rõ ràng và quy trình đánh giá hiệu quả làm việc (PEP), thuê công ty tư vấn để cải cách hệ thống đãi ngộ, thuê công ty tư vấn để cải cách quy trình tín dụng”, ông Moriwaki cho biết.
Ngươi Nhật cũng mang lại nhiều thay đổi chiến lược kinh doanh quan trọng. Eximbank thành lập Phòng khách hàng doanh nghiệp lớn và FDI, tập trung vào hoạt động tài trợ thương mại và tận dụng khách hàng của SMBC.
Trong khi nhóm khách hàng lớn là mục tiêu quan trọng, Eximbank vẫn sẽ tiếp tục tập trung vào các dịch vụ khách hàng cá nhân, thực tế vẫn đang tăng trưởng tốt trong thời gian qua, ông Moriwaki cho biết. Các hoạt động mới (dù không mới trên thị trường ngân hàng) bao gồm thành lập Phòng phát triển kinh doanh bán lẻ, Phòng kiều hối dịch vụ quốc tế, trung tâm cho vay ô tô Daimler.
Năm 2018 vẫn là một năm bận rộn với kế hoạch tái cấu trúc chính mình, đại diện Eximbank cho biết thêm các hạng mục quan trọng cần hoàn thiện trong năm nay gồm việc cải cách hệ thống tiền lương, nâng cấp quy trình tín dụng, và tái cơ cấu Công ty quản lý tài sản Eximbank (AMC).
Hoạt động tái cấu trúc có vẻ đang diễn ra thuận lợi ở Eximbank, theo những chia sẻ từ phía Ngân hàng. Tuy nhiên, câu chuyện tái cấu trúc không chỉ ở khía cạnh kinh doanh, mà còn cả vấn đề nhân sự, đặc biệt khi cuộc chiến nhân sự cấp cao dự kiến sẽ còn diễn ra và có thể thay đổi cuộc chơi ở Eximbank.
Theo đó, Eximbank cũng vừa đưa ra kế hoạch cho kỳ đại hội cổ đông năm nay, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 4. Trong đó có một nội dung quan trọng là bầu bổ sung thành viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ VI (2015-2020), một chủ đề trọng tâm gây tranh cãi trong nhiều lần đại hội trước. Nhìn ở khía cạnh này, “sứ mệnh” của cổ đông Nhật có lẽ không chỉ đơn thuần là tái cấu trúc ngân hàng, mà còn giúp duy trì sự cân bằng giữa 2 nhóm cổ đông đang “dè chừng” nhau trong vài năm trở lại đây.
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, khối lượng giao dịch cổ phiếu EIB cũng có những chuyển động mới đáng chú ý. Theo đó, khối lượng giao dịch cũng tăng đột biến lên tới hơn 20 triệu cổ phiếu chỉ trong những ngày đầu tháng 1 (tính đến 16.1), còn 2 tháng liền trước chỉ 10 triệu cổ phiếu.
Trước những dự báo tích cực về lợi nhuận, dòng tiền cá nhân “tranh thủ” tìm về cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, đến thời điểm 29.1 này là chốt danh sách tham dự Đại hội cổ đông năm nay. Còn nhớ, thanh khoản cổ phiếu EIB trong quá khứ đều tăng vọt trước mỗi kỳ đại hội. Chẳng hạn, ở thời điểm tương tự vào cuối tháng 2.2017, tổng khối lượng giao dịch trong 2 tháng đầu năm là gần 16 triệu cổ phiếu, tăng đột biến so với tháng 12 trước đó, chỉ khoảng 2,3 triệu cổ phiếu.
Mỗi lá phiếu bầu là một cơ hội cho các nhóm cổ đông khác nhau. Trong những kỳ đại hội trước đây, đã có sự so kè trong từng lá phiếu thăm. Kịch bản nào cũng có thể diễn ra trong đại hội năm nay.