Ảnh: dti.gov.vn.

 
Cẩm Tú Thứ Năm | 29/09/2022 08:37

Chuyển đổi số vẫn là bài toán khó của doanh nghiệp

Tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số tại Việt Nam mới chiếm 22%, còn Indonesia là 34%, Thái Lan là 62%. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt vẫn dè dặt chuyển đổi số.

Theo chia sẻ của Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, hiện văn phòng luật sư của ông đang tiếp nhận vụ kiện liên quan đến hợp đồng chuyển đổi số. Theo đó, một công ty đã chi gần 9 tỉ đồng để thuê đơn vị tư vấn triển khai giải pháp chuyển đổi số. Tuy nhiên, sau khi triển khai, điều chỉnh nhiều lần thì đến nay phần mềm vẫn không thể đưa vào sử dụng. Bên đơn vị tư vấn không có thiện chí đền bù, do đó công ty thực hiện khởi kiện theo quy định của pháp luật. 

Tương tự, nhiều đại diện doanh nghiệp cho biết họ đang "bị rối" trước những đề xuất tư vấn triển khai chuyển đổi số cho hoạt động sản xuất. Có những đơn vị tư vấn chuyển đổi số uy tín, nhưng vì doanh nghiệp không có nguồn nhân lực ổn định, thường xuyên thay đổi nhân viên phụ trách dự án nên việc triển khai bị kéo dài, dẫn đến thất bại. Ngoài ra, nhiều đơn vị tư vấn không có kiến thức chuyên môn trong các lĩnh vực sản xuất cụ thể nên không xây dựng được phần mềm quản trị số phù hợp cho doanh nghiệp. 

Tại Hội thảo diễn ra tại Bộ Kế hoạch đầu tư mới đây, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH-ĐT cho biết theo thống kê mới nhất, chi cho hoạt động R&D trong tương quan của Việt Nam hằng năm chỉ bằng 0,4% GDP so với con số 3,3% của Nhật Bản, 2,2% của Singapore, 2,1% của Trung Quốc.

Trong khi chuyển đổi số trong doanh nghiệp được coi là một hợp phần quan trọng trong kế hoạch hành động nhằm thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hiện vẫn còn những rào cản ảnh hưởng không nhỏ đến thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

“Chi tiêu cho nghiên cứu khoa học của Việt Nam còn thấp và chưa thực chất. Tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số của Việt Nam chỉ chiếm 22% so với 34% của Indonesia, 62% của Thái Lan”, bà Bùi Thu Thủy dẫn chứng.

Cũng theo chuyên gia này, chi phí lao động ở Việt Nam còn thấp là một trở ngại cho việc thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, năng lực công nghệ còn hạn chế, chưa có nhiều doanh nghiệp, cá nhân sở hữu các bằng sáng chế công nghệ, chủ yếu sử dụng các công nghệ sẵn có của nước ngoài để tùy biến, phát triển.

Hành lang chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính phủ điện tử, các giao dịch, thủ tục hành chính trên nền tảng số vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Đây cũng là các thách thức, hạn chế cho doanh nghiệp khi xác định chiến lược, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số (tiêu chuẩn công nghệ, giao dịch thương mại điện tử, chứng thực số, thuế, hải quan...).

Mục tiêu phát triển Chính phủ số đến năm 2025 của Việt Nam. Ảnh: gov.vn
Mục tiêu phát triển Chính phủ số
đến năm 2025 của Việt Nam.
Ảnh: gov.vn

Bà Thủy cũng cho biết, năm 2022, ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 50 tỉ đồng và các địa phương cũng dành hàng chục tỉ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh và tuần hoàn. Đây là những tiền đề và nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của mình trong tình hình mới, nhưng tất nhiên, chỉ mới là “vốn mồi”, còn khoảng trống khá lớn mới đáp ứng được yêu cầu.

Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng TP.HCM cho rằng nếu doanh nghiệp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, nhưng hạ tầng chuyển đổi số dịch vụ công chậm thì doanh nghiệp vẫn không thể tiến hành nhanh được. TP.HCM đang áp dụng 800 cổng dịch vụ để người dân tiếp cận hình thức trực tuyến, nhưng chỉ có 20 dịch vụ kết nối với Cổng thông tin chính phủ. Chẳng hạn như dịch vụ thanh toán các thủ tục đất đai, tại TP.HCM mất 28 ngày trong khi tại một số địa phương chỉ mất 30-60 phút. 

Có thể bạn quan tâm:

 M&A trong ngành dịch vụ tài chính được thúc đẩy thêm nhờ tài chính nhúng​