Đoàn Kiều My - Lê Ngọc Huỳnh Như Thứ Tư | 22/01/2020 15:09

Chuyển đổi số từ con người

Liệu chuyển đổi số có phải chỉ là một làn sóng kéo đến nhanh và rút đột ngột?.

 Hay đó là một đại dương xanh mà những cơ hội chúng ta đang thấy chỉ là bề nổi?. 

Theo nghiên cứu “Tác động kinh tế của chuyển đổi kỹ thuật số tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương” năm 2018 được thực hiện bởi Microsoft và IDC, chuyển đổi số sẽ đóng góp 1.160 tỉ USD vào GDP của châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2021, với tỉ lệ tăng trưởng hằng năm 0,8%.

Cuộc chiến sống còn

Báo cáo cũng cho biết, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cuộc đua chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ bằng sáng kiến ngày càng nhiều của các doanh nghiệp nhằm số hóa hoạt động vận hành doanh nghiệp, trao quyền cho nhân viên, nâng cao năng suất và tập trung cải thiện sự hài lòng của khách hàng. Những sáng kiến này đang đặt ra nền tảng cho các tổ chức đổi mới mô hình kinh doanh của họ và để có được nguồn doanh thu mới thông qua các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số.
 

 

Chưa bao giờ thị trường Việt Nam sôi động về chuyển đổi số như 2 năm trở lại đây với các đề án của chính phủ, các hội thảo về chuyển đổi số, nhóm các công nghệ mới nổi (blockchain, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn...), cách mạng công nghiệp 4.0. Chính phủ Việt Nam coi chuyển đổi số trên toàn bộ nền kinh tế là vô cùng quan trọng để tiếp tục tăng trưởng và thịnh vượng.

Báo cáo “Nền kinh tế internet Đông Nam Á” do Google, Temasek và Bain cho biết nền kinh tế internet khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ vượt 300 tỉ USD vào năm 2025. Trong đó, với 96 triệu dân và 67% là người dùng internet, Việt Nam là quốc gia tăng trưởng nhanh thứ 2 trong khu vực.

Làn sóng chuyển đổi số nhanh và mạnh mẽ này đã kéo theo việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và xem Việt Nam như một thị trường tiềm năng để đầu tư vào chuyển đổi số, các công ty tư vấn về chuyển đổi số mở ra, các doanh nghiệp đầu ngành đều đặt ưu tiên cho chuyển đổi số.

Thậm chí chúng ta còn chứng kiến những doanh nghiệp đầu ngành đang hợp tác cùng nhau, đơn cử là “Liên minh chuyển đổi số Việt Nam” chính thức ra mắt hồi tháng 8.2019, với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT, VNPT, CMC, MISA, MobiFone, BKAV... thể hiện sự cam kết đồng hành của các doanh nghiệp Việt Nam với Chính phủ trong công cuộc thúc đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam.

 

“Lỡ nhịp” nếu thiếu tư duy chuyển đổi

Chuyển đổi số dường như đang là một trào lưu mà đi đâu cũng thấy. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều hiểu đúng về công cuộc chuyển đổi số. Ông David Lang, chuyên gia chuyển đổi số của YellowBlocks, người đã từng tư vấn cho các tập đoàn hàng đầu tại Mỹ như AT&T, Toyota, Sony, cho hay: “Rất nhiều người nghĩ rằng chuyển đổi số chỉ liên quan đến chuyển đổi về mặt công nghệ. Nếu một doanh nghiệp bắt đầu sử dụng công nghệ vào vận hành thì đã được xem là chuyển đổi số thành công. Tuy nhiên, trọng tâm của chuyển đổi số không nằm ở công nghệ thông minh, mà nằm ở yếu tố chuyển đổi về con người, về tư duy và về văn hóa của một doanh nghiệp, tổ chức”.

Hãy hình dung việc chuyển đổi số như một chiếc kim tự tháp 3 tầng: tầng đáy là con người - tư duy - văn hóa; tầng giữa là cách thức, phương pháp thực hiện chuyển đổi số (ví dụ: chuyển đổi linh hoạt (agile); tầng trên cùng là các công nghệ (blockchain, A.I, cloud, big data...). Điều quan trọng là nếu không có lớp nền kim tự tháp sẽ sụp đổ. Như vậy, cho dù là mô hình kinh doanh nào thì nền tảng là ở tư duy của sự chuyển đổi.

 


Từ “kinh doanh thông thường” đến “doanh nghiệp đột phá”

Như đã nói ở trên, chuyển đổi số không phải chỉ là việc ngày một ngày hai mà thành. Chuyển đổi số yêu cầu doanh nghiệp phải chuyển từ các hoạt động điều hành kiểu truyền thống sang kiểu năng động hơn bằng việc sử dụng công nghệ mới để tạo nên sự liền mạch cho tương tác giữa khách hàng và doanh nghiệp. Trên con đường chuyển đổi số này, có 6 giai đoạn chính phản ánh trạng thái và tiến trình chuyển đổi của doanh nghiệp.

Cũng theo nhận định của ông David Lang, sau khi trực tiếp khảo sát lãnh đạo các tập đoàn lớn tại Việt Nam, đa số doanh nghiệp Việt dù tiên phong trong cuộc chiến chuyển đổi số cũng chỉ đang ở cấp độ 2 và cố gắng chuyển sang cấp độ 3. Việc tiến đến một cấp độ cao hơn cần ít nhất 6-9 tháng và quan trọng nhất là sự tư vấn chiến lược của những chuyên gia chuyển đổi số đã chuyển đổi thành công cho các doanh nghiệp lớn tại những thị trường tương đồng.

Tập trung vào chuyển đổi yếu tố con người và văn hóa công ty 

Không khó tìm một trường hợp đã chuyển đổi số thành công và mang lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp, như trường hợp của nhãn hàng đồ uống nổi tiếng Starbucks. Họ cho ra mắt ứng dụng cho phép đặt hàng và thanh toán trên thiết bị di động.

Với ứng dụng này, họ dễ dàng thu thập và phân tích thông tin khách hàng nhằm hiểu rõ hơn về thói quen của khách hàng, từ đây dễ dàng đưa ra những chiến lược marketing phù hợp, đồng thời gia tăng được tương tác giữa khách hàng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, không có nhiều người biết về những trường hợp chuyển đổi số thất bại. Điển hình trong số này là Sears, biểu tượng bán lẻ 125 tuổi của Mỹ vừa công bố phá sản. Lý do chuyển đổi thất bại đến từ việc họ đã không thành công trong nỗ lực kích hoạt chuyển đổi toàn diện trong doanh nghiệp và điều chỉnh sai giá trị kinh doanh.

Theo thống kê tại thị trường Mỹ, khách hàng sẵn sàng chi thêm 15% giá trị sản phẩm để có được trải nghiệm tốt khi đến mua sắm tại cửa hàng. Vì rốt cuộc, mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số là ứng dụng sức mạnh công nghệ mới để tạo nên sự liền mạch cho tương tác giữa khách hàng và doanh nghiệp.

Trên thế giới khái niệm chuyển đổi số đã xuất hiện từ 30 năm trước và đã sớm trở thành trung tâm trong chiến lược kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực từ ngân hàng tài chính đến các chuỗi bán lẻ. Theo nhận định của các chuyên gia và cố vấn tại YellowBlocks, chuyển đổi số chính là chiếc chìa khóa mở ra đại dương xanh giúp doanh nghiệp bứt phá dẫn đầu trong cuộc chuyển mình mang tên kinh tế số.