Ảnh: QH.

 
Vũ Hoài Thứ Năm | 09/07/2020 13:00

Chuyển đổi số tăng tốc nhờ COVID-19, tiềm năng của FPT ra sao?

COVID-19 đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và thích nghi công nghệ….

Chất xúc tác cho chuyển đổi số

Chuyển đổi số không chỉ là bài toán thiết thực, sống còn cho các doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn, khủng hoảng sau dịch, mà còn là xu thế tất yếu, đáp ứng nhu cầu phát triển của nhiều doanh nghiệp.

Và không có lúc nào tốc độ lại là vấn đề sống còn như khi chúng ta đối mặt với một đại dịch. Những gì thế giới hiện đang chứng kiến giữa đại dịch COVID-19 chính là một minh chứng rõ nhất cho điều này.

 

COVID-19 đã và đang thay đổi nhanh chóng hơn nữa cách làm việc và tiêu dùng, hướng tới sử dụng nhiều hơn nữa các phương tiện công nghệ thông tin và được xem như một chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi số.

Và điều mà chúng ta dễ dàng nhận ra nhất đó chính là xu hướng mua hàng trực tuyến hay việc sử dụng những ứng dụng làm việc trực tuyến đang gia tăng.

Zoom - ứng dụng làm việc trực tuyến có trụ sở tại Mỹ ghi nhận doanh thu tăng trưởng 169% trong quý đầu tiên năm 2020, ghi nhận mức 328,2 triệu USD. Đại dịch COVID-19 đã đẩy hàng triệu khách hàng mới đến dịch vụ gọi video và biến nó thành một cái tên quen thuộc. 

Để phù hợp với các thông lệ trước đó, Zoom đã không tiết lộ số người dùng hoạt động. Tuy nhiên, các nhà phân tích ước tính rằng ứng dụng di động của Zoom có ​​173 triệu người dùng hoạt động mỗi tháng kể từ ngày 27.5. Con số này tăng mạnh từ mức 14 triệu vào ngày 4.3, trích dẫn dữ liệu từ Công ty phân tích ứng dụng Apptopia.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Lazada của Đông Nam Á cho biết doanh số bán hàng trực tuyến tại Singapore đã tăng gấp 4 lần kể từ đầu tháng 4.2020. Đây cũng là khoảng thời gian Chính phủ nước này bắt đầu ban hành lệnh hạn chế di chuyển khi số trường hợp nhiễm COVID-19 tăng lên.

Lazada là nền tảng thương mại điện tử thuộc sở hữu của Tập đoàn Alibaba với khoảng 65 triệu người dùng tại 6 thị trường Đông Nam Á khác nhau. Hệ thống giao hàng siêu thị trực tuyến của Lazada tại Singapore là RedMart, được mua lại vào tháng 11.2016. Ông James Chang, Giám đốc Điều hành Lazada tại Singapore cho biết nền tảng mua sắm trực tuyến này đã ghi nhận lượt khách truy cập hàng ngày ở RedMart tăng gấp 11 lần.

Có thể thấy, COVID-19 đang là chất xúc tác rất mạnh cho quá trình chuyển đổi số không chỉ ở Việt Nam mà còn trên quy mô toàn cầu.

FPT trong xu hướng chuyển đổi số

Tại Việt Nam, Công ty Cổ phần FPT là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu của nhóm ngành công nghệ thông tin và luôn có những bước đi đầu trong xu hướng chuyển đổi số. Lần gần đây nhất, khi Chính phủ ban hành lệnh giãn cách xã hội để phòng chống COVID-19, FPT là công ty đầu tiên trong nhóm cổ phiếu VN30 tổ chức Đại hội Cổ đông thường niên 2020 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

 

Trong một chia sẻ với cổ đông, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT cho biết “Chuyển đổi số tiếp tục là xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược và là vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp trong thập kỷ tới”.

Cũng theo ông Bình, dịch COVID-19 là thách thức ở cấp độ cao nhất cho mọi doanh nghiệp nhưng cũng thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh hơn để duy trì kinh doanh liên tục và vượt qua khó khăn.

Điều đó mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ có sẵn thế và lực, quản trị tốt rủi ro do COVID-19 gây ra, sẵn sàng đồng hành cùng khách hàng đương đầu với thử thách.

Với vị thế là một trong những doanh nghiệp đầu ngành, FPT được giới chuyên gia đánh giá tích cực về triển vọng trong tương lai.

Trong bối cảnh COVID-19, FPT vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của FPT tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức gần 11.200 tỉ đồng. Lãi sau thuế của công ty cũng tăng hơn 15,6% so với cùng kỳ, đạt mức hơn 1.650 tỉ đồng trong 5 tháng đầu năm 2020.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán VNDirect, chuyển đổi số (Dx) vẫn là động lực tăng trưởng doanh thu chính. Doanh thu từ Dx đạt 1.517 tỉ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2020, đóng góp 24,6% vào doanh thu công nghệ.

VNDirect cho rằng FPT có đủ khả năng để nắm bắt các cơ hội từ xu hướng phát triển chuyển đổi số khi công ty đang thúc đẩy mạnh chiến lược M&A để mở rộng thương hiệu và tập khách hàng của mình ở nước ngoài. Công ty chứng khoán này dự báo doanh thu từ Dx sẽ tăng trưởng kép 30,3% trong giai đoạn 2020-2023.

VNDirect dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng của FPT năm 2020.
VNDirect dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng của FPT năm 2020.

Bên cạnh đó, VNDirect kỳ vọng mảng viễn thông sẽ đạt tăng trưởng kép 8,4% trong giai đoạn 2020-2023 nhờ nhu cầu nội địa ổn định, đặc biệt là sau đại dịch, khi dịch vụ truyền hình trả tiền sẽ đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận trong dài hạn khi có thể đạt điểm hòa vốn và ghi nhận lợi nhuận từ sau 2021.

Cho cả năm 2020, VNDirect dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng của FPT lần lượt ở mức 32.452 tỉ đồng và 3.828 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 17,1% và 22,1%.

VNDirect cũng đưa ra khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu FPT trên thị trường với tiềm năng tăng giá lớn trong tương lai.

* Có thể bạn quan tâm 

►Sabeco sẽ thoát "gọng kìm"?

►Coteccons liệu có trở lại?