Ảnh: theleader.vn
Chuyển đổi số: Bước chuyển mình của FPT?
Sau khi thoái vốn khỏi FPT Retail và FPT Trading năm 2017, CTCP FPT (HoSE: FPT) hiện tại vận hành 3 mảng kinh doanh: công nghệ (FPT Software), viễn thông (FPT Telecom) và giáo dục (FPT Edu). Nếu như mảng viễn thông chỉ giới hạn tại thị trường Việt Nam và vấp phải sự cạnh tranh rất lớn từ các nhà mạng nội địa, FPT có thể với tới thị trường công nghệ toàn cầu thông qua phát triển phần mềm và chuyển đổi số, đây được xem là trọng tâm phát triển của công ty.
Doanh thu từ thị trường nước ngoài chiếm 67% doanh thu khối công nghệ và bao gồm 2 mảng chính là gia công phần mềm (hoạt động truyền thống) và chuyển đổi số. Năm 2018, hai mảng này đóng góp lần lượt 80% và 20% doanh thu xuất khẩu phần mềm cho FPT. Nếu như gia công phần mềm có biên lợi nhuận trước thuế (LNTT) vào khoảng 17% thì chuyển đổi số mang lại biên LNTT trung bình 20% và đang trong xu hướng tăng trưởng.
Khảo sát của IDG cho thấy 89% doanh nghiệp được hỏi cho biết đã hoặc có kế hoạch chuyển đổi số, trong khi 32% CIO/quản lý CNTT cho biết chuyển đổi số đã giúp doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu. Hiện tại, FPT vẫn chủ yếu đảm nhiệm các công đoạn kỹ thuật với biên LNTT khoảng 20%, cao hơn 1 chút so với gia công phần mềm. Công ty đang theo đuổi chiến lược M&A lại các doanh nghiệp tư vấn chuyển đổi số nước ngoài, với kỳ vọng sẽ giúp công ty leo lên “bậc thang” chuyển đổi số cao hơn, qua đó trở thành doanh nghiệp cung cấp từ dịch vụ tư vấn cho đến thực thi chuyển đổi số. Các thương vụ M&A điển hình của FPT là với RWE IT Slovakia (2014) và Intellinet (2018).
► Tân CEO FPT: Việc lớn của người trẻ
Mặc dù vậy, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC; HoSE: VDS) nhận định FPT sẽ vấp phải cạnh tranh quyết liệt từ các công ty tư vấn khác, và 1 doanh nghiệp vốn chỉ được biết đến qua gia công phần mềm như FPT có thể cạnh tranh với các đối thủ chuyên về tư vấn hay không vẫn là bài toán cần giải, đặc biệt trong 1 thị trường chuyển đổi số đầy tiềm năng và có rất nhiều người chơi mới. Mặt khác, VDSC cho rằng kế hoạch tăng trưởng 30-40%/năm cho mảng chuyển đổi số là khả thi khi tiềm năng thị trường là rất lớn và FPT cũng có những lợi thế của mình.
Lợi thế lớn nhất của FPT nói riêng và Việt Nam nói chung, không mấy ngạc nhiên, là giá nhân công rẻ. Trong số các nước có khả năng làm gia công phần mềm, Việt Nam là một trong nhưng nước có mức giá cạnh tranh nhất, đặc biệt so với 2 nước gia công phần mềm lớn là Trung Quốc và Ấn Độ. FPT cho biết công ty có mức giá rẻ hơn trung bình 20% so với các đối thủ từ 2 quốc gia trên, một con số đáng kể.
► FPT muốn là công ty công nghệ
Theo VietnamWorks (2018), Việt Nam sẽ thiếu khoảng 78.000 nhân lực ngành CNTT mỗi năm và lên tới khoảng nửa triệu người vào năm 2020. Về phía FPT, công ty hiện có 16.000 kĩ sư phần mềm và đặt mục tiêu tăng lên 27.000 vào năm 2021 (tăng 20%/năm) để đáp ứng nhu cầu lớn trong tương lai. Để duy trì lợi thế về giá, FPT theo đuổi chiến lược thâm dụng lao động, và đào tạo nguồn nhân lực cho công ty là 1 trong những mục tiêu chính của hệ thống giáo dục FPT.
Năm 2018, FPT Edu có 36.600 học sinh/sinh viên, 93% trong số đó là sinh viên bậc cao đẳng/đại học. Trong các năm tới, FPT sẽ mở rộng các tổ hợp công viền phần mềm và đai học tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ để đào tạo lên tới 90.000 sinh viên, cũng như mở thêm các tổ hợp mới tại Quảng Nam và Bình Định.
Nguồn VDSC