Chuyên nghiệp hóa canh tác mía nguyên liệu là chìa khóa để giảm giá thành đường thành phẩm

 
Thứ Ba | 26/03/2019 15:13

Chuyển dịch để hội nhập, tạo sự khác biệt để bứt phá

Thời gian Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức được áp dụng cho ngành Mía đường đang đến rất gần.

 Để chuẩn bị cho một giai đoạn mới đầy thách thức, các doanh nghiệp Mía đường Việt Nam cần có sự thay đổi đồng bộ ở nhiều khía cạnh nhằm trang bị cho mình lợi thế cạnh tranh bền vững.

Thế mạnh và điểm yếu đan xen

Sau 2 năm tạm hoãn để các doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị, đến đầu năm 2020, theo Hiệp định ATIGA, hạn ngạch nhập khẩu và hàng rào thuế quan cho mặt hàng đường từ các nước ASEAN sẽ bị bãi bỏ. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp mía đường Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh trực tiếp từ doanh nghiệp các nước có thế mạnh về mía đường, đặc biệt là Thái Lan. Muốn hiểu được sự biến đổi của thị trường cũng như giữ vững được thị phần khi bước vào sân chơi mới, ngành Mía đường trong nước cần có sự chuyển dịch lớn về mặt nội tại. Trong đó, việc xem xét lại những điểm mạnh và điểm yếu của mình là tiền đề để có những thay đổi hợp lý.

Vấn đề đầu tiên nằm ở ngay mắc xích của chuỗi sản xuất, đó chính là việc canh tác mía nguyên liệu. Do ảnh hưởng bởi tập quán cũ của nền nông nghiệp Việt Nam, cây mía vẫn được canh tác theo lối truyền thống, manh mún, chưa có sự tập trung cũng như chưa được áp dụng khoa học kỹ thuật một cách triệt để. Quy mô cánh đồng mía ở Việt Nam còn tương đối nhỏ, sản xuất chủ yếu ở hình thức hộ nông dân với diện tích trung bình một số nơi chỉ trên dưới 1 hecta. Điều này tạo ra rất nhiều bất lợi, trong đó quan trọng nhất là việc không áp dụng được đồng bộ các kỹ thuật canh tác hiện đại, cơ giới hóa để giảm chi phí trên mỗi tấn mía cũng như bảo vệ môi trường thiên nhiên. Với giá mía nguyên liệu đầu vào cao, các doanh nghiệp mía đường gặp rất nhiều khó khăn trong việc hạ giá đường thành phẩm. Đó là chưa kể đến tình trạng chi phí đầu tư trồng mía cao trong khi sản lượng thu hoạch không ổn định, biên lợi nhuận của người nông dân quá thấp để có thể hạn chế được rủi ro thua lỗ.

Tuy nhiên, nền nông nghiệp Việt Nam vẫn có một số lợi thế nhất định, như: đất đai rộng lớn, màu mỡ, khí hậu ôn hòa thích hợp cho cây mía cùng với hơn 2/3 dân số Việt Nam làm nghề nông, người nông dân có kinh nghiệm lâu đời, cần cù, chịu khó. Đây chính là những tiềm năng có thể khai thác nhằm tạo ra các giải pháp cho vấn đề sản xuất mía nguyên liệu.

Về khâu sản xuất, do một số nhà máy luyện đường được đầu tư xây dựng từ rất lâu, quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu nên cũng góp phần khiến giá đường Việt Nam không có sức cạnh tranh tốt trên thị trường. Bù lại, tất cả các vùng mía nguyên liệu ở nước ta đều có nhà máy trú đóng, điều này không chỉ giúp giảm cự ly vận chuyển mía mà còn giúp đảm bảo bao tiêu mía của nông dân, góp phần khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu.

Một vấn đề nữa cần phải bàn tới của ngành Mía đường chính là sự liên kết giữa các mắc xích trong chuỗi sản xuất. Mặc dù đã xây dựng được hoàn chỉnh mô hình chuỗi giá trị trong sản xuất - kinh doanh, nhưng vai trò của nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học cần được xác định rõ ràng, cụ thể hơn. Không chỉ là hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, 4 “nhà” trên cần phối hợp chặt chẽ với nhau để tạo nên sự cộng hưởng, từ đó mang lại lợi thế cạnh tranh hiệu quả và bền vững. Trong đó, các chính sách mang tính định hướng, hỗ trợ từ nhà nước cũng như khung pháp lý rõ ràng, minh bạch chính là yếu tố quan trọng nhất.

Việc đề ra phương hướng hoạt động chung của toàn ngành, hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp giữa các bên, khuyến khích sự hợp tác cùng có lợi trong chuỗi sản xuất mía đường sẽ giúp doanh nghiệp, người nông dân và nhà khoa học phối hợp trơn tru với nhau. Hiện nay, một số yêu cầu cấp bách có thể kể đến là chính sách, quy định về vấn đề dồn điền đổi thửa, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, chính sách hỗ trợ người nông dân trong việc vay vốn đầu tư trồng mía, chính sách giá mua nhiệt điện đồng phát từ bã mía… Đặc biệt, khi thời gian ATIGA chính thức được áp dụng đang gần kề, việc lựa chọn giữa chính sách khuyến khích nhập khẩu đường thô hay đường trắng sẽ mang tính sống còn đối với ngành Mía đường Việt Nam. Theo các chuyên gia, nếu đàm phán thành công và triển khai được quy định về hạn chế nhập khẩu đường trắng song song với việc gia tăng nhập khẩu đường thô, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tận dụng được những thế mạnh của mình và thích nghi tốt trong môi trường mới.

Chuyển mình để hội nhập

Nhìn vào những điểm yếu và lợi thế nêu trên, có thể thấy rằng ngành Mía đường Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng phát triển khi bước vào giai đoạn hội nhập.

 Chuyen dich de hoi nhap, tao su khac biet de but pha
Sản phẩm đường của Việt Nam có chất lượng không thua kém hàng nhập ngoại.

Để khắc phục vấn đề vùng nguyên liệu, đã có một số mô hình canh tác mía được xây dựng thành công, mang lại hiệu quả cao như mô hình nông trường công nghệ cao của doanh nghiệp và cánh đồng mía lớn của nông dân. Tại huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, nông trường Thành Long là một ví dụ điển hình về việc áp dụng công nghệ cao trên quy mô lớn. Với 1.000 hecta mía được trồng theo kỹ thuật canh tác hiện đại, cơ giới hóa tối đa khâu làm đất, bón phân, sử dụng công nghệ chính xác trong tưới tiêu, nông trường đã chứng minh được tính khả thi trong việc hạ giá thành mía nguyên liệu xuống mức tối đa.

Còn tại huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, nhờ tham gia mô hình cánh đồng mía lớn, cơ giới hóa đồng bộ từ khâu chăm sóc đến thu hoạch nên ruộng mía nơi đây đạt năng suất cao, tiết kiệm được công chăm sóc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, từ đó gia tăng lợi nhuận cho người nông dân. Và không chỉ dừng lại ở hiện đại hóa kỹ thuật canh tác hay cải tiến mô hình sản xuất, Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (LASUCO) còn đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm quản lý doanh nghiệp (ERP) kết hợp với hệ thống thông tin địa lý (bản đồ số GIS) nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đồng ruộng, tối ưu hóa từng công đoạn trong quy trình trồng trọt.  

Có thể nói, những mô hình trên đã tạo ra lợi ích rõ rệt đặc biệt là về chi phí sản xuất trên mỗi tấn mía, rất cần được nhân rộng để khắc phục các điểm yếu trong hoạt động canh tác, sản xuất mía nguyên liệu.

Đứng trước một giai đoạn mới, nhiều doanh nghiệp mía đường không chỉ chấp nhận đương đầu với thách thức mà còn nhìn thấy nhiều cơ hội để phát triển. Với tư duy đổi mới, khả năng linh hoạt thích nghi cùng sự hỗ trợ tối đa từ chính sách của nhà nước, các doanh nghiệp có thể tận dụng được những lợi ích mà việc mở cửa thị trường mang lại./.