Chuyện đằng sau cổ tức cao
Cuối tháng 6 này, Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex- GIL) sẽ thanh toán hết số tiền chia cổ tức năm 2014 với tỉ lệ 50% vốn điều lệ. Cộng đợt tạm ứng cổ tức năm 2014 đã thực hiện (30% vốn) và nếu tính luôn khoản thanh toán cổ tức năm 2013 (20% vốn) thì từ đầu năm đến hết tháng 6.2015, Gilimex chi tổng cộng 104,2 tỉ đồng trả cổ tức. Đây là con số không hề nhỏ, hơn gấp đôi lợi nhuận của năm 2014.
Với sự hào phóng này, Gilimex đã trở thành doanh nghiệp chi cổ tức mạnh tay nhất trên thị trường. So với thị giá trung bình của GIL (24.000 đồng/cổ phiếu), mức cổ tức 8.000 đồng/cổ phiếu năm 2014 đã giúp nhà đầu tư lãi 30%.
Cổ đông của Gilimex càng vui mừng hơn khi mức chi trả này cao vượt trội so với kế hoạch ban đầu đề ra. Tại Đại hội cổ đông năm ngoái, Gilimex chỉ lên phương án trả cổ tức năm 2014 bằng cổ phiếu theo tỉ lệ 20%, nhưng cổ tức thực tế đã đạt tới 80% và đều trả bằng tiền mặt.
Gilimex: Lãi bao nhiêu chia bấy nhiêu
Cổ tức cao là điều nhà đầu tư nào cũng mong muốn. Nhưng nhìn vào tình hình doanh nghiệp có thể thấy phía sau mức cổ tức ấn tượng đều có những thông tin đáng chú ý khác.
Gilimex là doanh nghiệp sản xuất ba lô, túi xách lớn tại Việt Nam. Doanh thu của Gilimex từ năm 2012 đều trên 1.000 tỉ đồng, chủ yếu là xuất khẩu, với thị trường chính là châu Âu, Mỹ. Ngoài xuất khẩu ba lô, túi xách, Gilimex còn xuất khẩu thủy hải sản, đồ thủ công mỹ nghệ… Dù vậy, theo các báo cáo tài chính, tỉ suất lợi nhuận/doanh thu của Gilimex thường không cao, chỉ trong khoảng 5%/năm.
Gilimex đã mở rộng hoạt động thêm các ngành mới như thiết bị chiếu sáng, kim khí… nhưng các mảng này triển khai chưa lâu (nhà máy kim khí mới đi vào hoạt động cuối năm ngoái).
Vì thế, mục tiêu doanh thu cho các mảng mới của Gilimex vẫn còn khiêm tốn: 2 triệu USD cho xuất khẩu kim khí và 3 triệu USD cho xuất khẩu bóng đèn năm 2015. Tính ra, kim khí dự kiến chỉ chiếm 1,8%, còn bóng đèn ước chiếm 5,2% tổng doanh thu Gilimex.
Gilimex đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2015 tối đa 60 tỉ đồng và vẫn tiếp tục theo đuổi phương án trả cổ tức cao. Nếu thực hiện trả cổ tức năm 2015 như đề ra, Gilimex có thể sẽ dùng gần hết lãi kiếm được để trả cổ tức. Nghĩa là Gilimex đang “làm bao nhiêu chia cho cổ đông bấy nhiêu”.
Trong khi đó, theo Nghị quyết đại hội cổ đông 2015, Gilimex sẽ đi vay 400 tỉ đồng tài trợ vốn lưu động. Báo cáo tài chính của Công ty cũng ghi nhận dòng tiền trong quý I/2015 bị âm hơn 85 tỉ đồng. May nhờ khoản tiền và tương đương tiền thời điểm đầu năm lớn hơn con số này gấp 3 lần nên dòng tiền cuối kỳ của Gilimex vẫn ổn định.
Ở các thời điểm Gilimex công bố thông tin liên quan đến điều chỉnh chi trả cổ tức năm 2014, giao dịch cổ phiếu, nhất là các giao dịch nội bộ ở Gilimex rất sôi động. Ngoại trừ Chủ tịch Lê Hùng vẫn nắm giữ 11,39% cổ phần ở Gilimex như báo cáo cuối năm ngoái, các cổ đông lớn khác đều có những động thái thay đổi tỉ lệ sở hữu ở công ty này.
Cuối tháng 5.2015, từ chỗ đang là cổ đông lớn, 2 công ty con của Gilimex là Công ty May Thạnh Mỹ và Công ty Bất động sản Gia Định đều rút hết vốn khỏi Gilimex. Riêng Công ty May hàng gia dụng Gilimex giảm mạnh sở hữu, từ 10,96% xuống còn 6,26%.
Trong khi đó, danh sách cổ đông lớn của Gilimex ghi nhận thêm 2 tên tuổi cá nhân là ông Nguyễn Hữu Phúc và bà Lê Thị Diệu Chi. Trước đó, Công ty Quản lý quỹ SSI đã chuyển nhượng hơn 2% vốn ở Gilimex cho Công ty Chứng khoán SSI. Qũy PXP Vietnam Fund Limited cũng chuyển toàn bộ cổ phần nắm giữ cho PXP Vietnam Emerging Equity Fund Limited (PXP VEEF).
Đặt câu chuyện thay đổi tỉ lệ sở hữu ở Gilimex bên cạnh việc chi trả cổ tức tăng, nhà đầu tư ít nhiều nhận thấy nhóm cổ đông lớn đã có những quan điểm khác về phân chia lợi nhuận tại Công ty.
Kinh Đô: Chia sẻ lợi nhuận đột biến
Không tạo ra nhiều tò mò như Gilimex nhưng câu chuyện trả cổ tức ở Kinh Đô ( KDC) cũng gây xôn xao thị trường. Cuối tháng 1.2015, Kinh Đô công bố Nghị quyết về chi trả cổ tức năm 2014 với tỉ lệ 200% vốn điều lệ. Tính ra, mỗi cổ phiếu sẽ nhận 20.000 đồng. Đây là mức cổ tức “khủng” vì gần bằng 50% thị giá trung bình của cổ phiếu KDC và ước tính, Công ty sẽ phải dành hơn 4.700 tỉ đồng để trả cổ tức.
Theo thông tin công bố, nguồn tiền dùng trả cổ tức sẽ lấy từ bán 80% cổ phần tại Kinh Đô Bình Dương (BKD) với giá trị hơn 7.800 tỉ đồng. Nghĩa là ban quan trị Kinh Đô muốn chia sẻ nguồn lợi nhuận đột biến cho cổ đông.
Trên thực tế, việc điều chỉnh cổ tức bằng tiền mặt năm 2014 của Kinh Đô, từ mức 20% lên con số đột biến 200% đã không nhận được sự đồng thuận của tất cả các cổ đông. Có đến 24,7% cổ đông không tham gia biểu quyết. Có lẽ các cổ đông này có những lo âu nhất định về một tương lai Kinh Đô không bánh kẹo. Trong báo cáo thường niên năm 2014, Kinh Đô vẫn khẳng định là công ty dẫn đầu ngành bánh kẹo suốt 21 năm. Hiện tại, nguồn thu từ bánh kẹo vẫn đóng góp lớn nhất cho Kinh Đô.
Tuy nhiên, như chia sẻ của lãnh đạo Kinh Đô tại Đại hội cổ đông bất thường diễn ra cuối năm ngoái, Công ty đánh giá tốc độ tăng trưởng bình quân ngành bánh kẹo chỉ còn ở mức 5-8%, không còn hấp dẫn và khó có thể là động lực tăng trưởng chính cho doanh nghiệp. Kinh Đô đã tấn công sang lĩnh vực thực phẩm thiết yếu là mì gói, dầu ăn. Dù vậy, sản phẩm mì gói mang thương hiệu Đại Gia Đình của Kinh Đô mới tung ra thị trường năm ngoái, còn sản phẩm dầu ăn của Kinh Đô chỉ vừa ra mắt vào cuối tháng 5, nên chưa tạo được nguồn thu đáng kể.
Kinh Đô đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư khác khi quyết định sở hữu 75,73% vốn ở Công ty Cổ phần Thương mại và Hợp tác Quốc tế Hà Nội. Đây là công ty hoạt động trong lĩnh vực bán buôn vải, hàng may sẵn và giày dép.
Kinh Đô cũng lên phương án mua lại 30% số cổ phần phát hành (tương đương gần 77 triệu cổ phiếu) làm cổ phiếu quỹ. Hiện tại, 22 triệu cổ phiếu đã được mua lại. Dự kiến, số cổ phiếu quỹ có thể được bán cho những đối tác thích hợp, gắn bó lâu dài.
Báo cáo quý I/2015 cho thấy, dòng tiền thuần trong kỳ của Kinh Đô bị thâm hụt hơn 700 tỉ đồng, chủ yếu mua cổ phiếu quỹ và trả nợ vay. Nhờ khoản tiền đầu năm còn hơn 2.180 tỉ đồng mà tiền và tương đương tiền cuối tháng 3.2015 vẫn còn hơn 1480 tỉ đồng. Kinh Đô sẽ nhận tiền bán Kinh Đô Bình Dương vào cuối quý II/2015. Đây cũng là thời điểm Kinh Đô chuyển giao mảng bánh kẹo cho bên mua là tập đoàn bánh kẹo Mỹ Mondelez International.
Như vậy, từ quý III/2015, dòng tiền của Kinh Đô sẽ tăng mạnh nhưng Kinh Đô cũng sẽ không còn ghi nhận nguồn thu bánh kẹo vào doanh thu tập đoàn như cách cũ. Mục tiêu doanh thu của Kinh Đô trong năm 2015 theo đó giảm hơn 41%, xuống còn 3.000 tỉ đồng. Song song đó, Kinh Đô dự kiến trả cổ tức năm 2015 chỉ là 14% bằng tiền, một mức cổ tức không cao so với mặt bằng trả cổ tức chung của các công ty lớn.
Ngọc Thủy