Năm 2019 Nhật Bản đứng thứ 2 trong bảng tổng sắp các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, với số dự án đầu tư là 4.385, tổng vốn đăng ký 59.333,86 triệu USD. Ảnh: TTXVN

 
Minh Anh Thứ Ba | 20/10/2020 15:38

Chuyến công du của tân Thủ tướng Nhật Bản và cơ hội hút dòng vốn từ xứ sở hoa anh đào

Chuyến viếng thăm của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đến Việt Nam đã thu hút cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và giới phân tích.

► Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga Yoshihide, diễn ra một tháng sau khi nhậm chức và là lần thứ hai liên tiếp một Thủ tướng mới của Nhật Bản chọn Việt Nam là nước đi thăm đầu tiên sau khi nhậm chức.

► Từ nhiều năm qua, Nhật Bản luôn nằm trong nhóm 4 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (cùng với Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc). 

► Kết thúc năm 2019, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam- Nhật Bản đạt xấp xỉ 40 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay và chiếm 7,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Doanh nghiệp Nhật vẫn thích đầu tư vào Việt Nam

Từ nhiều năm qua, Nhật Bản luôn nằm trong nhóm 4 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong số hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có quan hệ thương mại. 

Việc Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thăm chính thức Việt Nam được giới Chuyên gia phân tích là ảnh hưởng nhiều đến nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung tiếp tục chảy vào Việt Nam trong thời gian tới.

Thực tế, các doanh nghiệp Nhật Bản đang rất quan tâm tới Việt Nam. Bằng chứng là làn sóng dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng ưu tiên thị trường Việt Nam.

Ảnh:
Ông Yoshihide Suga chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên sau khi đắc cử Thủ tướng Nhật Bản. Ảnh: Kyodo

Trong khảo sát Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), dựa trên phản hồi của 3.500 doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm nhiều tới việc sản xuất kinh doanh ở nước ngoài. Kết quả cho thấy, 41% trong số này, tức khoảng 1.400 doanh nghiệp Nhật đang xem xét mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong ba năm tới, tăng 5,5 điểm phần trăm so với năm trước.

Năm 2019, khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục là điểm sáng cho bức tranh kinh tế Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 38 tỉ USD và lần đầu tiên đạt mức giải ngân 20,4 tỉ USD.

Trong đó, Nhật Bản đứng thứ 2 trong bảng tổng sắp các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, với số dự án đầu tư là 4.385, tổng vốn đăng ký 59.333,86 triệu USD. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã “bám rễ” vào nền kinh tế Việt Nam, phải kể đến các tên tuổi lớn như Toyota, Honda, Panasonic, Canon, Sumitomo…

Không chỉ trong công nghiệp, các nhà đầu tư Nhật ngày càng “thâm nhập” vào các lĩnh vực khác như bán lẻ, tài chính - ngân hàng, thực phẩm… với các “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ như Aeon, Uniqlo, hay việc Mizuho mua cổ phần của Vietcombank, Sumitomo Mitsui Banking nắm giữ cổ phần của Eximbank… Điều này càng chứng tỏ, vốn đầu tư Nhật Bản đang từng bước mở rộng và ngày càng hiện diện sâu, rộng ở nền kinh tế Việt Nam.

Theo kết quả từ cuộc thăm dò của Công ty NNA Nhật Bản, Việt Nam đã được các doanh nghiệp Nhật bình chọn là địa điểm đầu tư hứa hẹn nhất trong năm 2020 ở châu Á, vượt qua cả Ấn Độ và các quốc gia khác tại Đông Nam Á.

Ảnh:
Doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn Việt Nam như là điểm đến đầu tư của khu vực này. Ảnh: Daikin

"Trong bối cảnh dịch chuyển đầu tư sang Đông Nam Á nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn Việt Nam như là điểm đến đầu tư của khu vực này", ông Watanabe Nobuhiro, tân Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, cho biết.

Tương lai sẽ là Việt Nam +1

Sự gia tăng đầu tư vào TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung của doanh nghiệp Nhật Bản, theo ông Watanabe Nobuhiro, là nhờ đất nước ngày càng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cũng như cơ hội tham gia thị trường rất lớn nhờ đất nước tham gia các Hiệp định thương mại tự do với nhiều nước trên thế giới.

Ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM, cho rằng cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng chú ý đến thị trường Việt Nam để đầu tư.

Ảnh:
Việt Nam + 1” được xem là xu hướng của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang có dự án sản xuất tại Việt Nam muốn mở thêm nhà máy nữa”, ông Hirai Shinji nói. Ảnh: baomoi

Trong làn sóng dịch chuyển sản xuất vì dịch COVID-19, các doanh nghiệp Nhật Bản đã nhắc đến Việt Nam với cụm từ “Việt Nam + 1”. Đây được xem là xu hướng của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang có dự án sản xuất tại Việt Nam muốn mở thêm nhà máy nữa”, ông Hirai Shinji nói.

Giới phân tích đánh giá Việt Nam đang được xem là điểm đến lý tưởng của nhiều nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng, nhất là khi đất nước đang kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 cùng với hội nhập kinh tế sâu rộng. Và chuyến công du của tân thủ tướng Nhật Bản được kỳ vọng sẽ thúc đẩy gia tăng đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam nhiều hơn nữa.

Tiềm lực tài chính lớn, công nghệ cao, kinh nghiệm quản lý… là các lĩnh vực mà Nhật Bản có thể chia sẻ cho Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam, với dân số gần 100 triệu dân với lao động trẻ là nguồn nhân lực tốt và thị trường đầy tiềm năng.

Có thể bạn quan tâm:

► IMF: GDP Việt Nam năm 2020 vượt Singapore, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư Đông Nam Á