Thứ Sáu | 08/08/2014 10:41

Chuyện “bếp núc” Ngân hàng Xây dựng

Thiên Thanh là cái tên lạ lẫm đến nỗi cho đến khi đã là cổ đông lớn của Ngân hàng Xây dựng, giới tài chính cũng không biết họ là ai.
1. Cuối tháng 8-2012, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phạt Công ty Quản lý quỹ Lộc Việt 165 triệu đồng vì đã sử dụng tài sản của nhà đầu tư ủy thác để thực hiện các hợp đồng mua bán kỳ hạn, tương lai, không tuân thủ quy định về hạn chế hoạt động đối với công ty quản lý quỹ.

Thông tin nhỏ nhoi trên đáng lẽ đã lẫn vào dòng chảy tin tức vì khi đó UBCKNN đang “dẹp loạn” xu hướng bán khống nổi lên sau vụ bắt ông Nguyễn Đức Kiên và VN-Index rớt mạnh, nhưng nó lại được một số tổ chức đầu tư chú ý. Người ta lật lại báo cáo tài chính năm 2011 đã kiểm toán của Lộc Việt và nhận ra công ty quản lý quỹ có vốn điều lệ 25 tỉ đồng này đã được ủy thác số lượng tiền rất lớn 1.520,6 tỉ đồng năm đó và 3.774,5 tỉ đồng năm trước nữa. Cá nhân hay tổ chức đầu tư nào “thừa” tiền, ủy thác cho Lộc Việt nhiều thế?

Đầu tháng 2-2013 tập đoàn Thiên Thanh - cổ đông mới - chính thức tiếp quản Ngân hàng TMCP Đại Tín (sau đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng). Ba tháng sau Ngân hàng Xây dựng ký hợp đồng ủy thác hơn 900 tỉ đồng kỳ hạn hai năm cho Lộc Việt để đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Cuối tháng 6-2013, trả lời phỏng vấn TBKTSG về việc ngân hàng đang tái cơ cấu, sao lại ủy thác cho một khách hàng nhiều vậy, ông Phạm Công Danh cho biết “khó khăn cũng phải hoạt động” và nhấn mạnh tỷ lệ cho vay trên huy động vốn của Ngân hàng Xây dựng khá thấp, tức ở mức an toàn.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác nhận đúng là dư nợ của Ngân hàng Xây dựng tương đối thấp. Tổng vốn huy động của ngân hàng trong sáu tháng đầu năm nay khoảng 34.000 tỉ đồng, cho vay ước 19.000 tỉ đồng.
...

2. Giới tài chính phía Nam thường có những quy định bất thành văn mà dân ngoại đạo không dễ hiểu. Họ “ngửi” thấy từ sớm trước khi tin chính thức được công bố về sự thay đổi lãnh đạo các ngân hàng, nhất là tổ chức tín dụng cổ phần. Rồi họ tranh luận về xuất thân của những người mới đến, về kinh nghiệm nghề nghiệp và phỏng đoán tương lai của ngân hàng đó.

Tuy nhiên, trong những cuộc gặp gỡ của người cùng giới ngân hàng cả năm nay, không thấy ai đề cập đến Ngân hàng Xây dựng. Thậm chí khi ông Danh, ông Phan Thành Mai tham dự những cuộc họp ngân hàng do cơ quan quản lý chủ trì, tổng giám đốc hay chủ tịch một số ngân hàng còn ngơ ngác hỏi nhau hai vị ấy ở đâu ra, đại diện cho tổ chức tín dụng nào. Thiên Thanh là cái tên mới toanh, hoàn toàn lạ lẫm, lạ lẫm đến nỗi cho đến khi đã ngồi ở vị thế cổ đông lớn của Ngân hàng Xây dựng, giới tài chính cũng không mảy may biết họ là ai.
...

Trước mắt chưa có bất cứ nguồn tin nào đề cập khả năng Ngân hàng Xây dựng sẽ “về chung một nhà” với Vietcombank và dường như bản thân Vietcombank cũng không “chào đón” phương án đó. Trong quá khứ, năm 1998, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã từng phải nhận công việc tái cơ cấu, nói đúng hơn là “giải cứu” Ngân hàng TMCP Nam Đô.


Nguồn TBKTSG


Sự kiện