Chương trình hành động của Chính phủ để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững
Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Chương trình hành động này được xây dựng trên cơ sở rà soát, cập nhật, bổ sung các nội dung, nhiệm vụ mới nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách lớn đã đề ra tại Nghị quyết Trung ương 4 khóa X trong bối cảnh nước ta đang triển khai Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2020 trong đó trọng tâm là tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; hội nhập quốc tế toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế, thực hiện hiệu quả các cam kết kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tiến trình tái cấu trúc và đổi mới mô hình tăng trưởng, tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.
Kiên quyết loại bỏ những văn bản, quy định chồng chéo
Để đạt được mục tiêu nêu trên, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp cần cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia; thường xuyên rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; kiên quyết loại bỏ những văn bản, quy định chồng chéo, không còn phù hợp; ban hành những văn bản mới rõ ràng, cụ thể, bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, khả thi, phù hợp với các cam kết quốc tế và tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, tích cực tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do trong khuôn khổ song phương và khu vực. Tiến hành nghiên cứu, tiến tới đàm phán các hiệp định thương mại mới, phù hợp với lợi ích và nhu cầu phát triển kinh tế của Việt Nam.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, xuất nhập khẩu, thuế; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành.
Ngoài ra, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến từng lĩnh vực, ngành nghề cụ thể trên các trang thông tin của các Bộ, ngành chủ quản và cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; công bố công khai, minh bạch mọi chính sách, cơ chế quản lý, quy trình tác nghiệp, người chịu trách nhiệm và thời hạn giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước, các đơn vị cung cấp dịch vụ công để các doanh nghiệp và người dân biết; giám sát chặt chẽ việc thực hiện.
Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp, sản phẩm
Chương trình cũng đề ra nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp sản phẩm. Trong đó, triển khai hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài, thực hiện tốt chính sách ưu đãi đầu tư, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư và quản lý nợ công; tích cực triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch; phát triển thương mại điện tử để tăng cường khả năng giao dịch, tìm kiếm, mở rộng thị trường.
Xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển các sản phẩm, ngành hàng cụ thể gắn kết với chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu có chiều sâu, hiệu quả và bền vững; thực hiện tốt công tác cảnh báo sớm về các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời tận dụng tốt các quy định quốc tế về chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ, đăng ký bản quyền, thương hiệu để bảo vệ doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam trong thương mại quốc tế.
Chú trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các chính sách, chương trình hỗ trợ về vốn, đào tạo, tiếp cận thông tin, công nghệ và thị trường; ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, tạo chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm ưu tiên của quốc gia và của vùng.
Phát triển đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường
Nhiệm vụ khác của Chương trình là phát triển đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường, trong đó, tiếp tục xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về kinh tế thị trường của Việt Nam làm cơ sở để chứng minh, giải quyết vấn đề công nhận nền kinh tế thị trường ở Việt Nam đối với các đối tác kinh tế.
Tiếp tục rà soát các yếu tố đang cản trở sự hình thành đồng bộ các yếu tố của kinh tế thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước có vị trí độc quyền hoặc chi phối thị trường, các lĩnh vực, đối tượng đang có sự trợ cấp, hố trợ mang tính phân biệt đối xử.
Xây dựng và triển khai các cơ chế, hệ thống quản lý, các phương thức giao dịch hiện đại nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao tính pháp lý và giảm thiểu rủi ro cho các giao dịch trên thị trường.
Tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để khuyến khích đầu tư cho sáng tạo, phát triển và đổi mới công nghệ; tiếp tục ban hành các chính sách phát triển thị trường công nghệ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ tiên tiến, công nghệ cao.
Tăng cường đầu tư cho hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn
Nghị quyết nêu rõ, tiếp tục thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tiến hành tổng kết, đánh giá tổng thể các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; đề xuất hướng đổi mới, phát triển trong thời gian tới; tăng cường đầu tư cho hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Nghiên cứu, đề xuất chính sách phát triển hiệu quả các ngành công nghiệp chế biến nông lâm, thủy sản Việt Nam có tiềm năng và lợi thế; phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp.
Nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn quốc tế; đẩy mạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản; xúc tiến đẩy mạnh việc đàm phán ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.
Nghị quyết cũng đề ra những nhiệm vụ chủ yếu: Bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và an ninh quốc phòng; đào tạo, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực; tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, đánh giá; củng cố, tăng cường cơ chế phối hợp, giám sát triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền.
Nguồn Chinhphu.vn