Chương trình hàng không "Năm quốc gia, một điểm đến": Liệu có khả thi?
Từ năm 2003, các nước Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar đã thành lập một tổ chức mang tên Chiến lược hợp tác kinh tế vùng lưu vực sông Mekong - Chao Phraya - Ayeyawadi, gọi tắt là ACMECS. Một trong các mục tiêu chính của ACMECS là xây dựng cơ chế visa du lịch chung, cho phép các du khách nước ngoài có thể đi đến cả 5 nước mà chỉ cần xin visa 1 lần.
Vào năm 2013, sau một cuộc họp tại thủ đô Viên Chăn của Lào, các nước ACMECS cũng đưa ra tuyên bố chung về việc phát triển một hành lang du lịch mới, dựa trên 5 thành phố có nhiều di sản văn hóa lịch sử của 5 nước thành viên: Bagan (Myanmar), Chiang Mai (Thái Lan), Xiêm Riệp (Campuchia), Luang Prabang (Lào) và Huế (Việt Nam).
Cho đến nay, đã có Thái Lan và Campuchia thực hiện việc cấp chung visa du lịch theo quy định hợp tác song phương, nhưng vẫn còn khá nhiều rào cản cho việc cấp visa chung cho cả khối ACMECS. Ông Chattan Kunjara na Ayudhya, Giám đốc quảng cáo và quan hệ công chúng của Tổng cục Du lịch Thái Lan, nhận định rằng việc hợp tác phát triển du lịch giữa các nước ASEAN bao giờ cũng khó hơn so với các lĩnh vực khác, vì mỗi nước đều có chính sách thuế quan và nhập cảnh khác nhau. Trả lời tờ The Nation của Thái Lan, ông Chattan nói thêm: "Hợp tác song phương thì dễ, nhưng hợp tác chung một nhóm quốc gia thì khó hơn nhiều".
Giờ đây, Việt Nam, Lào và Campuchia đang cùng nhau phát triển chương trình thẻ du lịch hàng không (flight pass), cho phép những du khách sử dụng thẻ này được ưu đãi giảm giá đặc biệt trên các đường bay giữa 3 nước. Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành thuộc Tổng cục Du lịch, cho biết hiện nay Việt Nam chưa thuyết phục được các hãng hàng không Thái Lan và Myanmar tham gia chương trình này, nhưng đang theo đuổi các cuộc đàm phán để đạt được mục tiêu.
Tuy nhiên, xem ra phía Thái Lan vẫn chưa mấy mặn mà với ý tưởng phát triển flight pass cho 5 nước ACMECS. Ông Chattan cho biết: "Hãng Thai Airways có thể không thấy điều này mang lại nhiều giá trị về mặt tài chính, khi xét đến các chi phí cần phải bỏ ra. Ngoài ra, chiều dài đường bay giữa các nước cũng có nhiều chênh lệch".
Việc phát triển flight pass không phải là ý tưởng quá mới mẻ tại Đông Nam Á. Hiện tại, đã có hãng hàng không giá rẻ AirAsia của Malaysia tiên phong thực hiện ý tưởng này. Theo đó, các khách hàng của AirAsia có thể trả một khoản tiền để mua trước một lượng tín chỉ (credit) có hiệu lực trong vòng 1 hoặc 2 tháng, với giá từ 14 đến 16 USD cho 1 tín chỉ. Mỗi chuyến bay của AirAsia sẽ có một mức giá riêng, chẳng hạn như từ TPHCM đến Bangkok là 1 tín chỉ, còn từ Hà Nội tới Kuala Lumpur là 3 tín chỉ. Khách hàng có thể dùng tín chỉ để thanh toán tiền vé, và sau đó chỉ phải trả thêm các khoản phụ thu như thuế sân bay.
Tuấn Minh
Nguồn The Nation