Vận chuyển chuối bằng hệ thống ròng rọc ở trang trại chuối Huy Long An. Ảnh: QH
Chuối Việt tìm cơ hội ở thị trường 17 tỉ USD
Tại trang trại của ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An, chuối sau khi hạ buồng được gắn vào hệ thống ròng rọc, chạy thẳng vào khu chế biến, làm sạch và đóng thùng. Từ đây, các thùng chuối sẽ lên container xuất khẩu đi Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Maylaysia... Những thùng chuối bán trong nước sẽ theo vào “nhà ủ” để chờ ra thị trường.
Từ năm 2014, khi đã ở tuổi 60, ông Huy đã quyết định đầu tư gần 4 triệu USD trồng 200ha chuối. Một năm sau, chuối được xuất khẩu sang Nhật, Hàn và Trung Quốc, đồng thời, Công ty cũng tuân thủ quy trình chuẩn quốc tế để đưa sản phẩm vào các thị trường khác...
Theo ông Huy, hằng năm, kim ngạch của các nước nhập khẩu trên thị trường thế giới rất lớn, từ 15-17 tỉ USD. Trong đó, Nhật là nước nhập khá nhiều, một năm trên 1,2 triệu tấn chuối, Hàn Quốc khoảng 1 triệu tấn, Trung Quốc trên 1 triệu tấn.
Nếu trước đây, một tuần, Huy Long An xuất khoảng 2-3 container thì đến nay, trung bình 10 container một tuần, riêng thị trường Nhật là 4 container 40 feet (15-20 tấn), với giá bán trung bình 0,9 USD/kg. Thực tế, đối tác Nhật muốn mua 2-3 lần nhu cầu hiện tại nhưng Công ty không đủ đáp ứng. Bên cạnh các thị trường khó tính, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu của Huy Long An. “Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính của chuối Việt Nam, sản lượng chuối tiêu thụ tại Trung Quốc hiện rất lớn”, ông Mai Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Fohla, công ty con của Huy Long An, chia sẻ. Dự kiến, Fohla sẽ liên kết với các hộ nông dân để nâng diện tích trồng chuối lên khoảng 700ha.
Để chuối phát triển như hiện nay, ông Huy đã phải mất nhiều năm đi học hỏi kinh nghiệm và thuê chuyên gia nước ngoài về tư vấn. Thậm chí, để chuối xuất khẩu sang thị trường Nhật và Hàn, Công ty Huy Long An phải đáp ứng hơn 200 tiêu chuẩn chất lượng khác nhau. Thậm chí, đối tác Nhật không cho phép chuối bị vết xước quá 1cm, không có đốm đen...
Trồng chuối ở Việt Nam cũng khó hơn các nước vì giá nhân công Việt Nam cao hơn trong khi năng suất lao động thấp hơn. Để so sánh, năng suất lao động tại Philippines là 1,3 nhân công/1ha, còn tại Việt Nam là 1,5-1,7 nhân công/1ha; chi phí thuê nhân công tại Philippines là 200 USD/tháng so với con số 300USD của Việt Nam. Ngoài ra, sản lượng chuối hư tại Việt Nam cũng cao hơn, lên tới 25% so với 15% tại Philippines.
Chuối là một trong những cây ăn quả có diện tích lớn trên 100.000ha, chiếm 19% tổng diện tích cây ăn quả và sản lượng khoảng 1,4 triệu tấn/năm. Nhưng trong quy hoạch nhóm cây ăn quả ở các địa phương thì hầu như chuối vẫn không được coi là cây chủ lực và không có trong kế hoạch phát triển.
Ông Lê Sỹ Công, Giám đốc Công ty Laba Đà Lạt (Lâm Đồng), cho biết: “Chuối đang là sản phẩm hút khách không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài, nhưng nguồn hàng không đủ để cung cấp”. Chuối Laba cũng đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật từ vài năm nay. Sau một thời gian giám sát chặt chẽ tiêu chuẩn chất lượng, đối tác Nhật đã nhập 10 tấn chuối Laba để bán vào các hệ thống siêu thị của Nhật. Sau đó, chuối cũng được xuất khẩu 500 tấn sang thị trường Úc.
Với 40ha chuối hiện nay, chuối Laba của La Ba Đà Lạt chỉ đủ cung ứng thị trường trong nước. Trong khi đó, thị trường Nhật đang có nhu cầu một tháng 7 container (20 tấn/container). “Trung bình, 1ha thu hoạch được 30-40 tấn chuối/năm nên cố gắng lắm cũng chỉ xuất được một container/tháng”, ông Công cho biết.
Mặc dù vậy, chuối đang chứng tỏ là mặt hàng rất tiềm năng cho thị trường xuất khẩu và nội địa. Vì vậy, có thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư lớn vào cây chuối với các quy trình trồng và thu hoạch, bảo quản... theo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Sau khi thử sức với nhiều sản phẩm trái cây không mấy thành công, thấy được tiềm năng của thị trường chuối, năm 2019, Hoàng Anh Gia Lai tập trung vào kinh doanh chuối, với mục tiêu doanh thu 10 tỉ đồng/ngày. Trong thông tin chia sẻ mới nhất với cổ đông, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hoàng Anh Gia Lai, hy vọng sẽ mang về 3.545 tỉ đồng doanh thu từ chuối trong năm 2019. Vì vậy, HAGL Agrico đã tích cực đầu tư 1.028 tỉ đồng vào trồng và mở rộng diện tích trồng lên 5.275ha vào cuối năm vừa qua.
Ngày 24.3 vừa qua, 30 container chuối do Công ty Cổ phần Sản xuất, Chế biến và Phân phối Nông nghiệp THADI (thuộc Tập đoàn THACO) đã được xuất khẩu qua cảng Chu Lai để sang Thanh Đảo (Trung Quốc). Lô hàng xuất khẩu này trị giá hơn nửa triệu USD, mỗi container là 20 tấn chuối. Tùy thời điểm, giá chuối xuất khẩu của Công ty lên tới 24.000 USD/container.
Mặc dù nhu cầu tiêu thụ chuối của Trung Quốc tương đối lớn nhưng đây không còn là thị trường dễ dãi, nhất là từ năm 2019, thị trường này bắt đầu siết chặt các điều kiện quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Đó là chưa kể, giá chuối tại Trung Quốc thường thiếu tính ổn định. Vì vậy, ngoài việc mở rộng danh sách thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trồng chuối cũng quan tâm đến thị trường trong nước.
Không chỉ xuất khẩu, hiện trung bình một ngày, Công ty Huy Long An có khoảng 400 đơn hàng từ các hệ thống siêu thị trong nước. “Tỉ lệ người Việt ăn chuối đang tăng cao và giá bán trong nước cũng tăng hơn trước”, ông Tuấn Anh, cho biết. Hiện chuối Fohla có khoảng 400 đơn hàng tại các hệ thống siêu thị với giá 40.000-50.000 đồng/kg. “Thị trường trong nước gần 100 triệu dân, nếu mỗi người ăn 1-2 trái/ tuần thì con số không phải là nhỏ”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Cũng theo ông Sỹ Công, chuối Laba với thương hiệu Laba King hiện được bán trong các cửa hàng sản phẩm sạch organic tại TP.HCM, phân phối tại cửa hàng Đà Lạt, Vũng Tàu và Nha Trang... Thị trường trong nước rất tiềm năng, hiện Công ty Laba đang tập trung cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, chuối Laba đang được trộn lẫn và bị giả mạo tại nhiều cửa hàng, siêu thị nên ảnh hưởng đến thương hiệu chuối của Công ty, vì thế giá không ổn định, có thời điểm bán được giá 40.000 đồng nhưng có lúc giá chỉ 25.000 đồng.