Trước khi thực hiện Chỉ thị 16, mỗi ngày, người dân TP.HCM cần 7.000 tấn thực phẩm. Ảnh: TL.
Chuỗi phân phối giải bài toán bình ổn giá
Sau khi áp dụng Chỉ thị 16 và tiếp tục tăng cường theo hướng siết chặt hơn giãn cách, ở TP.HCM và các vùng lân cận xảy ra tình trạng khan hiếm và tăng giá thực phẩm. Thậm chí, những ngày qua, từng bó rau, quả trứng được bạn bè, người thân chia sẻ lại trở thành món quà quý giá.
Bất ổn từ tâm lý tích trữ, gom hàng
Trước khi thực hiện Chỉ thị 16, mỗi ngày, người dân TP.HCM cần 7.000 tấn thực phẩm. Nhưng khi 3 chợ đầu mối dừng hoạt động, theo Sở Công Thương TP.HCM, sản lượng thông qua các chợ đầu mối chỉ còn đạt 2.700 tấn, giảm hơn 50%. Còn năng lực của các siêu thị dù nỗ lực tăng hơn gấp đôi, từ cung ứng 1.130 tấn lên gần 2.500 tấn, thì so với nhu cầu vẫn thiếu hụt khoảng 1.000 tấn rau củ quả, thực phẩm tươi sống.
Tiến sĩ Phạm Công Hiệp, Giảng viên cấp cao cũng là Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT, phân tích: “Tâm lý lo lắng của người tiêu dùng khi chứng kiến việc thiếu hụt hàng đã thúc đẩy họ gom hàng mạnh mẽ”. Với bối cảnh như vậy, bài toán cho siêu thị vừa đảm bảo nguồn hàng vừa giữ giá bình ổn là không dễ. Để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến từ khách hàng, các siêu thị cũng phải tăng tuyển dụng, trả lương ngoài giờ, phụ cấp cho nhân viên... Tất cả đẩy chi phí vận hành của siêu thị tăng lên.
Đây có lẽ là lý do vì sao, thời gian qua một số siêu thị như Bách Hóa Xanh phải tăng giá để trang trải chi phí phát sinh. Tuy nhiên, vấp phải một số phản ứng từ khách hàng nên mới đây lãnh đạo chuỗi siêu thị này cam kết “giữ giá bán không tăng”.
Ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động, khẳng định việc tăng doanh thu từ tối ưu diện tích cửa hàng sẽ không có nghĩa lý gì nếu nguồn hàng không được đưa đến đầy đủ và kiểm soát chặt chẽ. Do đó, ưu tiên số một của Bách Hoá Xanh là sắp xếp lại công tác mua hàng, tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics, củng cố hoạt động này.
Về phía Central Retail, chủ chuỗi siêu thị GO!, Big C, Tops Market cũng đã sớm chủ động xây dựng kịch bản và làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp. Ảnh: Baotintuc.vn. |
Về phía Central Retail, chủ chuỗi siêu thị GO!, Big C, Tops Market cũng đã sớm chủ động xây dựng kịch bản và làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp. Central Retail có 3 kho lớn ở TP.HCM, Đà Lạt, Hà Nội để dự trữ và kiểm soát nguồn cung ứng. Nhờ đó, doanh nghiệp đã chủ động trữ hàng lên gấp nhiều lần (trữ 70 tấn mỗi ngày, tức 7 lần với thịt tươi; 100 tấn rau và trái cây, thực phẩm khô tồn kho trên 30 ngày).
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail, cho biết, điều này giúp hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market tại TP.HCM duy trì được nguồn cung hàng hóa và giá cả ổn định. Doanh nghiệp này cũng kéo dài thời gian hoạt động từ 8H-23H và đa dạng phương thức bán hàng (hotline, Zalo Shop, GrabMart, Now, Tiki).
Đối với hệ thống VinMart/VinMart+, tình hình hiện tại được phía siêu thị đánh giá là đã ổn định và hàng hóa dồi dào với việc tăng lượng hàng thực phẩm tươi sống gấp 2-3 lần trong ngày thường và 4-5 lần vào cuối tuần.
3 bên chung sức
Để có thể bình ổn giá tại các vùng tâm dịch và không đứt gãy nguồn cung, theo đại diện chuỗi VinMart/VinMart+, rất cần sự phối hợp của 3 bên: cơ quan chức năng ở các địa phương thực hiện các biện pháp để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh; nhà cung cấp, sản xuất đảm bảo hàng hóa đạt chất lượng; và nhà bán lẻ cung ứng liên tục hàng hóa tới người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Thị trường tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM, đúc kết: “Giải pháp căn cơ cho các siêu thị để đáp ứng nhu cầu khách hàng vẫn ở chuỗi cung ứng hàng hóa, như hệ thống kho hàng quy mô lớn, nguồn cung hợp lý và linh hoạt, tăng hình thức giao nhận qua mạng điện tử, giảm các khâu trung gian”.
Mới đây, Bộ Công Thương đã lập “Tổ công tác tiền phương” về đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Trong các giải pháp, Bộ cân nhắc mở lại chợ truyền thống với một số điều kiện. Hiện tại, chợ Bình Quới, Phú Thọ (quận 11), Nguyễn Tri Phương (quận 10), An Đông (quận 5), Kiến Thành (Bình Tân), Tân Đoàn Việt, Bà Lát (Bình Chánh)... đã được khôi phục phần nào.
Trong chủ trương mở rộng cách thức bán thực phẩm, Sở Công Thương đã kêu gọi Con Cưng, VinShop, Guardian bổ sung rau củ quả, thịt đông lạnh vào danh mục bán hàng. 7 công ty logistics như Nhất Tín Logistics, ABA Cooltrans... cũng được huy động với công suất 1.000 tấn hàng. Sở Công Thương còn làm việc với Tiki, Lazada, Sendo nhằm bán rau củ quả trên sàn thương mại điện tử và sử dụng kho hàng của các đơn vị này.
Để giải bài toán thiếu hụt nguồn cung nông sản sau khi các chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động, Sở Công Thương TP.HCM mới đây đã lập điểm trung chuyển gần chợ đầu mối Thủ Đức, tiếp nhận trung bình 100 tấn rau củ quả mỗi ngày. Với chợ đầu mối Hóc Môn, TP.HCM cũng đang tìm điểm tập kết trung chuyển hàng hóa.
TP.HCM và các tỉnh cũng phân luồng xanh cho hàng hóa đến được vùng dịch. Chẳng hạn, với luồng xanh đường thủy, dự kiến mỗi ngày 200 tấn hàng hóa rau củ quả từ miền Tây sẽ lên TP.HCM qua 5 tàu cao tốc. Trước mắt ngày 19.7, 2 chuyến tàu cao tốc đầu tiên do hãng tàu Greenlines DP và Petrolimex hỗ trợ, chở 40 tấn rau củ từ Tiền Giang, Bến Tre đã về TP.HCM.
Có thể thấy, không chỉ siêu thị mà các bên đang nỗ lực để đảm bảo nguồn cung thực phẩm không bị đứt gãy. Trong bức tranh đó, các doanh nghiệp phân phối thực phẩm cho biết sẽ không điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. “Nếu sản phẩm có giá mua vào tăng bất hợp lý, Bách Hóa Xanh sẽ chuyển hướng mua các sản phẩm khác thay thế hoặc nhanh chóng tìm kiếm nhà cung cấp và vùng trồng mới để giảm áp lực cung ứng”, đại diện Bách Hóa Xanh cam kết.