T99 Group đã có màn ra mắt ấn tượng khi công bố có hệ thống hàng trăm phòng giao dịch cầm đồ trên cả nước. Ảnh: Quý Hoà.
Chuỗi cầm đồ nhắm đích vay tiêu dùng
T99 Group đã có màn ra mắt ấn tượng khi công bố có hệ thống hàng trăm phòng giao dịch cầm đồ trên cả nước. Thêm phần chú ý hơn là Hoa hậu Việt Nam 2010 Đặng Thị Ngọc Hân có trong danh sách cổ đông của T99. Cùng thời điểm, chuỗi cầm đồ Người Bạn Vàng, một startup có 21 điểm giao dịch ở TP.HCM và các tỉnh miền Nam, cũng công bố nhận được vốn góp từ Công ty Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Chuỗi cầm đồ này khác biệt ở chỗ chỉ nhận cầm những trang sức quý như vàng, kim cương và các thương hiệu đồng hồ nổi tiếng như Rolex, Hublot, Patek Philippe...
Đồng loạt mở chuỗi
Hai sự kiện cho thấy mô hình chuỗi cầm đồ đang rất sôi động tại Việt Nam với các chuỗi dẫn đầu như F88, T99, Vietmoney, Camdonhanh, Người Bạn Vàng... Theo Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, ước tính cho vay tiêu dùng không chính thức chiếm khoảng 15-20% tổng dư nợ nền kinh tế (1,16-1,55 triệu tỉ đồng). Dù vậy, thị trường cầm đồ hiện vẫn còn khá sơ khai và phân mảnh với nhiều tiệm cầm đồ nhỏ lẻ truyền thống. Đó là lý do các chuỗi cầm đồ như T99 hay Người Bạn Vàng tìm cách mở rộng đầu tư để chiếm thị phần.
Với vốn điều lệ lên tới 1.300 tỉ đồng, T99 kỳ vọng sẽ đạt 500 phòng giao dịch trên toàn quốc trong 3 năm tới và có thể niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam. “Lợi thế của chúng tôi so với các hình thức khác là nhận tiền ngay, thủ tục đơn giản, thời gian vay và trả nợ linh hoạt”, ông Lê Xuân Việt, Tổng Giám đốc T99, cho biết.
Trong khi đó, F88 vừa ăn mừng sự kiện đạt mốc 300 cửa hàng trên cả nước. Theo kế hoạch, F88 sẽ đạt doanh thu hơn 1.600 tỉ đồng trong năm 2021. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng trong năm 2021 đạt 815 tỉ đồng, gấp 10 lần năm 2019 và gấp hơn 2 lần năm 2020. Theo tính toán của F88, cứ 2 đồng doanh thu Công ty sẽ thu lãi sau thuế 1 đồng, vượt trội so với tỉ suất lợi nhuận của các tổ chức tín dụng.
Đại diện Vietmoney cho biết hệ thống cầm đồ hoạt động theo mô hình O2O (Online to Offline) hiện có 16 chi nhánh. Công ty ghi nhận lợi nhuận kinh doanh trong 3 năm liên tiếp, tỉ lệ nợ quá hạn bình quân luôn thấp hơn 2%. Đáng chú ý, Vietmoney có vốn từ Quỹ đầu tư Probus Opportunities có trụ sở tại Thụy Sĩ (đang là cổ đông lớn của chuỗi cầm đồ Srisawad tại Thái Lan). Tại Việt Nam, Srisawad hiện có 40 chi nhánh hoạt động theo mô hình tiệm cầm đồ, cho vay tiêu dùng, trả góp và tập trung nhiều vào xe máy, ô tô, cả mới lẫn cũ.
Theo quy định của luật hiện hành, lãi suất cầm cố tài sản tại các tiệm cầm đồ tối đa là 20%/năm. Tuy nhiên, thông thường, cửa hàng cầm đồ thường thu thêm phí thẩm định, phí quản lý tài sản, phí lưu kho bãi... Những chuỗi cầm đồ kiểu mới thì tập trung vào mô hình kiếm tiền từ lãi cho vay (bao gồm các loại phí), thay vì thanh lý tài sản cầm được.
Mặc dù vậy, tình hình kinh doanh cho thấy hiệu quả của hoạt động cầm đồ chưa đạt kỳ vọng. Theo dữ liệu tài chính cuối năm 2019, Người Bạn Vàng có tổng tài sản gần 38 tỉ đồng. Quy mô doanh thu đạt 7,9 tỉ đồng, gấp 2,2 lần năm 2018. Tuy nhiên, Công ty vẫn lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 2,1 tỉ đồng.
Nhắm đến Tài chính tiêu dùng
Có thể hiểu những cửa hàng kinh doanh cầm đồ chuyên nghiệp như F88 hay T99 đang trong giai đoạn chiếm thị phần nên lợi nhuận không phải là ưu tiên số một trong thời điểm hiện tại. Cũng có thể các công ty này đang trong quá trình “gom dữ liệu” để đẩy mạnh các dịch vụ theo cách thức gần như một công ty tài chính tiêu dùng. Ông Trịnh Văn Phương, CEO và đồng sáng lập Vietmoney, từng cho biết Công ty có “tham vọng xây dựng nên một kênh tài chính tiện lợi và đảm bảo cho khách hàng trong phân khúc dưới chuẩn tại Việt Nam”.
Các chuỗi cầm đồ có nhiều lý do để nhảy vào địa hạt này. Ảnh: Quý Hoà. |
Các chuỗi cầm đồ có nhiều lý do để nhảy vào địa hạt này. Dư nợ tín dụng tiêu dùng hiện chiếm tỉ trọng khoảng 19,7% tổng dư nợ toàn hệ thống. Thị trường có quy mô 1 triệu tỉ đồng vào năm 2019 này có thị phần áp đảo thuộc về các tên tuổi lớn như FE Credit, HD Saison và Home Credit. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, những năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam tăng trưởng trung bình gần 20%/năm. Dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người. Ðây là con số rất thấp ở một thị trường 100 triệu dân đang phát triển, nhu cầu tiêu dùng cao như Việt Nam.
Theo đánh giá của Fitch, thị trường đang chứng kiến cạnh tranh gia tăng từ những người chơi mới, bao gồm một số công ty con của ngân hàng và vốn mới đổ vào từ các tổ chức tài chính lớn trong khu vực. Đặc biệt là có sự tham gia của nhiều fintech. Chẳng hạn, VietinBank hợp tác với Grab mở Gói tín dụng cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu đời sống của các đối tác tài xế, đối tác cửa hàng trên hệ sinh thái Grab.
Vietmoney hợp tác với VietinBank triển khai các dịch vụ bảo hiểm do công ty bảo hiểm VietinBank Insurance cung cấp. VPBank hỗ trợ tài chính cho Be trong quá trình vận hành, hoạt động đồng thời cùng nghiên cứu, triển khai các gói tín dụng cá nhân để hỗ trợ tài xế. MoMo hợp tác với Shinhan Bank trong việc quảng cáo các khoản vay tiêu dùng của ngân hàng này với người sử dụng của MoMo...
Vì thế, với dữ liệu người dùng lớn và công nghệ, các chuỗi cầm đồ có hệ thống lớn có thể gây áp lực cho các công ty hiện hữu. Thực tế, F88 có bước đi cụ thể khi bắt tay với đối tác Hàn Quốc KB để mang sản phẩm dịch vụ tài chính của KB tới khách hàng tại Việt Nam. Ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc F88, cho biết: “Việc bắt tay với KB Hàn Quốc sẽ giúp hệ thống cầm đồ này thực hiện chiến lược trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi về tài chính với nhiều dịch vụ đa dạng cho khách hàng”.
“Trong trường hợp các hệ thống cửa hàng cầm đồ được quản lý bài bản, có nguồn tiền lành mạnh, họ hoàn toàn có thể cạnh tranh với hệ thống các công ty tài chính hay ngân hàng, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, nơi các tổ chức tín dụng chưa phát triển đến. Chi phí cho một cửa hàng cầm đồ là thấp nên mô hình hoạt động này sẽ thành công”, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.