Ngọc Mai Thứ Ba | 09/06/2020 10:47

Chuỗi cầm cố F88 được định giá 2.100 tỉ đồng ở vòng đầu tư thứ 3

Cho thấy tiềm năng của thị trường cho vay tiêu dùng không chính thức lên tới hàng chục tỉ USD.

Chuỗi cho vay cầm cố tài sản F88 vừa thông báo nhận thêm 140 tỉ đồng trong vòng đầu tư tăng trưởng thứ 3 từ 2 quỹ tài chính quốc tế Mekong Enterprise Fund III (do Mekong Capital tư vấn quản lý) và Granite Oak với định giá xấp xỉ 2.100 tỉ đồng tại thời điểm cuối năm 2019.

Ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty F88, cho biết, khoản đầu tư mới từ 2 cổ đông chiến lược sẽ được sử dụng cho việc mở rộng chuỗi phòng giao dịch của F88 cũng như việc tăng dư nợ cho vay trên 180 phòng giao dịch hiện có. Từ số 11 phòng giao dịch vào tháng 12.2016 khi Mekong Capital đầu tư, đến nay F88 đã có được 180 phòng giao dịch.

Ông Simon Wagner, Tổng Giám đốc của Granite Oak, đánh giá, F88 đã là tổ chức hàng đầu tại thị trường Việt Nam về cho vay tiêu dùng có bảo đảm bằng tài sản; vững chắc vươn tới tầm nhìn trở thành chuỗi cửa hàng tiện ích tài chính được tin cậy”.

F88 ra đời từ năm 2013, chuyên cung cấp cho khách hàng dịch vụ cho vay cầm cố xe nhanh chóng và dễ dàng. Được hậu thuẫn bởi các nhà đầu tư đóng góp giá trị như Mekong Enterprise Fund III (năm 2016) và Granite Oak (năm 2018), F88 đã phát triển 180 phòng dịch ở 25 tỉnh thành lớn trên toàn quốc. F88 nổi lên là hiện tượng mới trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam. Từ năm 2019, F88 đã phát hành thành công 200 tỉ đồng trái phiếu (tương đương trên 8,5 triệu USD).

Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, ước tính cho vay tiêu dùng không chính thức chiếm khoảng 15-20% tổng dư nợ nền kinh tế (1,16-1,55 triệu tỉ đồng). Cho vay tiêu dùng qua ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 1 triệu tỉ đồng cuối năm 2019, bằng 11,4% tổng dư nợ, ngoài ra các kênh khác chưa có thống kê chính thức. Theo thông lệ, dư nợ cho vay tiêu dùng chính thức vào khoảng 40% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, do đó dư địa sẽ còn khá lớn khoảng 1,5-2 triệu tỉ đồng, chưa kể hằng năm tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng thêm khoảng 14%, thì cho vay tiêu dùng cũng sẽ tăng theo.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng, Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng, nhu cầu về khoản vay nhỏ, cấp bách của người dân là rất lớn. Các chuỗi cửa hàng cầm đồ có hệ thống xuất hiện và mở rộng như hiện nay cho thấy nhu cầu đó.

Ước tính riêng ở Hà Nội hiện có khoảng 1.700 cửa hàng cầm đồ, ở TP.HCM có 2.300 cửa hàng. Ở khu vực miền Nam, các chuỗi cầm đồ khác cũng đang nổi lên với hàng chục cửa hàng như Vietmoney, Camdonhanh.vn hay Người bạn vàng... Mỗi tỉnh, thành phố đều có các cửa hàng cầm đồ rải rác từ thành phố cho tới nông thôn. Theo ước tính của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành năm 2013, dịch vụ cầm đồ nằm trong lĩnh vực tín dụng phi chính thức với quy mô thị trường khoảng 30 tỉ USD.