Chứng khoán Việt Nam đã hết rẻ?
Với mức tăng này VN-Index đã tiếp tục tụt một bậc về độ hấp dẫn của P/E trong bảng theo dõi các thị trường cận biên và mới nổi trong khi HN-Index giảm đến hai bậc.
VN-Index tăng 6,8% trong tháng 8/2014 và tăng hơn 18% so với đầu năm. HNX-Index tăng lần lượt là 10,5% và 16,6%.
VDSC cho rằng hai động lực chính để thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh gần đây là (1) sự kỳ vọng vào các cải cách của Chính Phủ để cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là những tuyên bố mạnh mẽ của Thủ tướng và các Bộ trưởng trong kỳ họp định kỳ Chính Phủ tháng trước (2) dòng vốn giá rẻ dồi dào đang chảy sang từ kênh tiền gửi sau khi lãi suất huy động đồng loạt giảm cuối tháng 8.
Tuy nhiên, nếu nhìn một cách khắt khe, đây đều là những yếu tố mang tính kỳ vọng và ngắn hạn, cũng như chưa thực sự phản ánh sự chuyển biến của nền kinh tế.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài có vẻ đã thận trọng hơn trong việc đầu tư vào chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, sau khi mua ròng 262 tỷ đồng trong tháng 7, khối ngoại đã chuyển sang bán ròng 312 tỷ đồng trong tháng 8, giai đoạn mà thị trường có sự nhảy vọt. Từ đầu tháng 9 đến nay, khối ngoại chỉ mua ròng thêm 63,6 tỷ đồng.
VDSC cho rằng, trước mắt, sự thu hẹp của dòng vốn ngoại sẽ được bù đắp bởi dòng tiền rẻ từ các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, về dài hạn, điều quan trọng là cam kết sẽ được thực hiện ra sao.
Nếu tốc độ cải thiện của nền kinh tế không nhanh chóng bắt kịp đà tăng của thị trường chứng khoán, thị trường sẽ không có chỗ dựa vững chắc để tiến lên, nhật ký tư vấn ngày 8/9 của VDSC viết.
Nguồn Theo DVO