Chứng khoán Việt: Điểm tựa mới của Châu Á
Thị trường chứng khoán Châu Á tiếp tục có một tuần ảm đạm khi nhiều thị trường chính trong khu vực lao dốc. Chỉ riêng hôm thứ Ba 29.9.2015, chỉ số Nikkei 225 của Nhật đã sụt giảm đến 4% xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 1. Trong khi đó, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite trên sàn chứng khoán Thượng Hải giảm đến 2%. Còn tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng Index mất đến 3,1%. Chỉ số Straits Times của Singapore kéo dài chu kỳ giảm giá khi chạm tới mức thấp nhất tính từ tháng 6.2012.
Diễn biến ngày càng xấu đi của giá dầu mỏ và các loại hàng hóa khác khiến nhà đầu tư trên các thị trường nói trên đổ xô bán tháo các loại cổ phiếu hoạt động trong lĩnh vực này. Nỗi lo còn lan sang các thị trường tiền tệ. Đồng ringgit của Malaysia, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt ở Đông Nam Á, mất gần 16% giá trị chỉ trong quý III, khiến nhiều người càng lo ngại về viễn cảnh dòng tiền tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi.
Nhưng trong lúc này, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn khá bình ổn. Chốt phiên ngày 29.9, chỉ số VN-Index chỉ mất 0,5% và dần cải thiện trong các ngày giao dịch sau đó trong tuần. Điều đó cho thấy dù vẫn còn nhiều quan ngại đối với rủi ro môi trường khu vực, nhưng dường như phần lớn nhà đầu tư vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam.
Điều này cũng không khó lý giải. Khác với Malaysia, Việt Nam phải nhập đến 2/3 các sản phẩm xăng dầu để phục vụ cho nhu cầu trong nước. Vì thế, giá dầu lao dốc chính là cơ hội để các doanh nghiệp và người tiêu dùng tiết kiệm đáng kể chi phí và cải thiện thu nhập.
Nó cũng giải thích lý do vì sao tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 9 tháng đầu năm của Việt Nam đạt tới 6,5%. Đây là mức nằm trong tốp tăng trưởng của châu Á và biến Việt Nam thật sự trở thành ngôi sao mới nổi trong bối cảnh các quốc gia lân cận đang vật lộn với quá nhiều thách thức.
Phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu Việt Nam mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định tốc độ tăng trưởng của Việt Nam có thể duy trì ở mức 6,5-7% từ đây đến năm 2020.
Hiện tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là một thành viên vẫn đang diễn ra khá tích cực với kỳ vọng sẽ đạt được thỏa thuận vào cuối năm nay. Một khi được thông qua, cơ hội để hàng hóa Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ càng lớn hơn nữa. Sau 9 tháng đầu năm, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị lên tới 24,9 tỉ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là một lý do cho sức hút của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư.
Hãy quay trở lại với thị trường chứng khoán. Tính từ đầu năm 2015 đến nay, dù cũng biến động mạnh cùng với diễn biến chung của khu vực, nhưng chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 3,5%, mức tăng mạnh nhất trong số các chỉ số chứng khoán châu Á. Dòng vốn của khối ngoại vẫn vào ròng mặc dù còn khiêm tốn, trong khi các thị trường lân cận chứng kiến dòng vốn tháo chạy; có thị trường mất đến hàng tỉ USD như Thái Lan.
Sau đợt suy thoái vừa qua, hiện chỉ số P/E bình quân toàn thị trường đang đứng ở mức 11 lần (tính đến 28.9.2015), thấp hơn một nửa so với thị trường chứng khoán Indonesia. Con số này thấp hơn đáng kể so với mức 19,3 lần của Philippines hay 17 lần của Thái Lan.
Rõ ràng, thời điểm này là thuận lợi để đầu tư vào các cổ phiếu Việt. Bởi lẽ, nhiều mã đã rớt giá xuống quá thấp so với mặt bằng chung, trong khi hiệu quả hoạt động tiếp tục khả quan.
Ví dụ, theo tính toán của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS), hiện chỉ số suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán TP.HCM ở mức 15,8%, cao hơn đáng kể so với 10,7% của Thái Lan, 9,8% của Indonesia hay 13,2% của Philippines.
Một nỗi lo của các nhà đầu tư bên ngoài chính là vấn đề tỉ giá của Việt Nam khi tiền đồng đã giảm giá tới 5% tính đến thời điểm này. Dù vậy, nếu so với các quốc gia khác trong khối ASEAN, mức độ giảm giá của tiền đồng vẫn còn khá nhỏ. Bên cạnh đó, tiền đồng giảm giá cũng ít nhiều giúp hàng hóa của Việt Nam cạnh tranh hơn và kết quả tích cực hơn có thể nhìn thấy trong các tháng kế tiếp.
Cuối tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng bất ngờ có động thái mạnh tay trên thị trường tiền tệ khi hạ mức trần lãi suất tiết kiệm bằng đồng USD xuống còn 0,25% đối với cá nhân và 0% đối với tổ chức. Đây là lần điều chỉnh lãi suất liên quan đến USD đầu tiên kể từ tháng 3.2014.
Hành động này cho thấy chủ trương quyết liệt hơn trong việc chống tình trạng đô la hóa của nền kinh tế từ phía Ngân hàng Nhà nước, cũng như có thể tạo điều kiện để các mức lãi suất khác giảm theo sau đó.
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ chứng kiến chính sách nới lỏng tiền tệ hơn nữa đối với tiền đồng vào năm 2016, khi đặt trong bối cảnh khu vực đang tăng trưởng chậm lại theo nền kinh tế Trung Quốc”, Ngân hàng ANZ nhận định.
Trong lúc này, dòng vốn đang tìm cách tháo chạy ra khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc để tìm nơi đầu tư an toàn hơn cũng là cơ hội lớn cho Việt Nam nếu các doanh nghiệp và Chính phủ đưa ra các công cụ quảng bá mạnh mẽ hơn. Và đây là thời điểm thuận lợi để Việt Nam quyết tâm thực hiện một loạt các cải cách về thị trường tài chính, đặc biệt là các chính sách nới room (giới hạn sở hữu) cho nhà đầu tư nước ngoài, cũng như cho phép một tỉ lệ lớn hơn cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước được bán ra công chúng để hấp dẫn dòng vốn đầu tư.
Vậy diễn biến của thị trường trong giai đoạn cuối năm sẽ như thế nào? Ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc Điều hành phụ trách mảng nghiên cứu của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), dự đoán chỉ số VN-Index sẽ tăng lên mức 650 điểm vào cuối năm nay. Trong khi đó, một cuộc khảo sát của Bloomberg đối với các chuyên gia tài chính đưa ra kết quả là VN-Index có khả năng tăng lên 622 điểm vào cuối năm 2015.
Sơn Thanh