Chứng khoán tuần qua: Hai sàn bứt phá
Khối lượng giao dịch cũng có một sự gia tăng đáng kể ở hai sàn khi lần lượt tăng 22% và 36% so với cùng kỳ tuần trước.
Động lực nâng đỡ thị trường tuần vừa qua không những ở nhóm bluechips như dầu khí (GAS, PVD, PVC, …), ngân hàng (CTG, BID, VCB, …) mà còn ở cả nhóm đầu cơ như SCR, DCS, HAR, VCG, … khi có nhịp bứt phá mạnh.
Một số thông tin đáng chú ý trong tuần:
+ FTSE ETF công bố danh mục tái cơ cấu lần này trong đó bất ngờ đã xảy ra khi quỹ này thêm vào mã GTN – mã không có trong dự báo của nhiều công ty chứng khoán nhưng lại không thêm vào HSG, DRC như kì vọng. Điều này tạo áp lực khiến DRC và HSG nhiều khả năng gặp áp lực bán mạnh trong đầu tuần tới.
+ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) công bố kế hoạch bán vốn tại khoảng 120 doanh nghiệp năm 2016, trong đó Tập đoàn FPT và Công ty Xuất nhập khẩu Sa Giang được thoái vốn theo quyết định của Chính phủ từ tháng 10/2015. Tuy nhiên, kế hoạch thoái vốn của SCIC trong năm 2016 lại không có: Vinamilk, Bảo hiểm Bảo Minh, Nhựa Bình Minh, FPT Telecom.
+ Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã tăng từ mức 52,3 điểm trong tháng 4 lên 52,7 điểm trong tháng 5, cho thấy sức khỏe lĩnh vực sản xuất đã cải thiện mạnh mẽ. Các điều kiện kinh doanh đã tốt lên trong suốt sáu tháng qua với mức cải thiện gần đây nhất là lớn nhất trong một năm. Đà tăng chủ yếu đến từ động lực từ số lượng đơn đặt hàng mới.
Tuần vừa qua, VN-Index đã có một tuần khả quan với thanh khoản tích cực, thu hút được dòng tiền ở cả nhóm đầu cơ. Nhìn lại quá trình 3 sóng tăng dài trước tính từ 2014 đến nay thì sóng tăng của VN-Index kéo dài từ đáy đến đỉnh đạt mức trong khoảng 106 – 136 điểm. Hiện nay, sóng tăng của VN-Index tính từ đáy đã đạt hơn 108 điểm.
Trong trạng thái thông tin thị trường không có sự tích cực nổi bật để thúc đẩy thị trường thì VN-Index nếu có tăng thêm cũng không đáng kể mà lại tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh cao. Vì vậy, nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng và ở ngoài thị trường để đảm bảo an toàn.
Đinh Minh Trí