Chứng khoán Trung Quốc lao dốc: Việt Nam cần làm gì?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về cơn lao dốc của chứng khoán Trung Quốc (TQ) mấy ngày qua, TS Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nói: Tăng trưởng kinh tế của TQ đang ngày càng thấp đi và đang suy yếu. Chỉ số tổng mức bán lẻ, bán buôn, vốn là chỉ số đo sự tiêu dùng của thị trường nội địa… cũng suy giảm mạnh. Những điều đó làm cho kinh tế nước này suy yếu là không tránh khỏi. Mức độ tăng trưởng GDP sẽ khó có thể đạt được 5% hoặc 6%, chứ chưa nói gì đến 7%.
Bức tranh kinh tế thay đổi
. Phóng viên: Một số chuyên gia nhìn nhận rằng tình hình kinh tế TQ suy yếu sẽ khơi mào cho một khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu, trong đó bao gồm cả các nước trong khu vực. Ông bình luận gì về ý kiến này?
+ TS Nguyễn Tú Anh: Đúng là diễn biến tiêu cực của nền kinh tế TQ sẽ làm thay đổi bức tranh kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, cần chú ý có hai xu hướng kinh tế toàn cầu hiện nay. Những nền kinh tế phát triển thì đang có xu hướng tốt lên, ví dụ như các nước G7, còn các nền kinh tế mới nổi lại có xu hướng chậm lại. Trong 13 tháng qua, có tới khoảng 930 tỉ USD chạy ra khỏi 19 nền kinh tế mới nổi.
Nhìn chung tổng cầu các nền kinh tế mới nổi và toàn cầu giảm thì nhu cầu về các loại hàng hóa cơ bản như xăng, dầu, sắt, thép và nguyên liệu đầu vào… sẽ giảm. Đặc biệt là xăng dầu giảm mạnh khi Iran tiếp tục cung cấp xăng dầu cho thế giới.
Tận dụng cơ hội
. Trước bức tranh kinh tế thế giới như trên, ông nhận định kinh tế VN sẽ bị tác động như thế nào?
+ Nguyên liệu đầu vào giảm mạnh. Do vậy nếu biết khai tác tốt, VN sẽ tận dụng được lợi thế để nhập các nguyên liệu đầu vào với giá rẻ, thúc đẩy sản xuất trong nước, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa.
Mặt khác, VN chủ yếu đang sản xuất các loại hàng hóa xuất khẩu sang các nước phát triển, trong khi nền kinh tế các nước phát triển đang cải thiện. Đây là cơ hội để sản xuất và xuất khẩu của VN phát triển.
Một lợi thế khác là cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của VN đang ở phân khúc thấp hơn so với các nước, cho nên tính cạnh tranh của hàng hóa VN cũng có những đặc điểm khác. Như thế, VN hoàn toàn có thể tận dụng được cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu khi giá đầu vào rẻ hơn. Chẳng hạn, giá xăng giảm thì không cần phải tăng giá điện nữa. Khi giá xăng, dầu, điện, sắt, thép… không tăng, thậm chí là giảm đi thì chi phí sản xuất giảm, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu. Đây chính là cơ hội cho VN tăng đầu tư.
. Hàng trăm tỉ USD đã chảy khỏi TQ do tình hình kinh tế nước này bất ổn. Theo ông, VN cần làm gì để có thể khai thác được dòng vốn này?
+ Để đón được dòng tiền rút ra khỏi nền kinh tế TQ và các nền kinh tế mới nổi khác, VN cần phải giữ được nền tảng kinh tế vi mô tốt, phải dùng việc xuất khẩu vào các thị trường có triển vọng tăng trưởng tốt như Mỹ, EU, Nhật... để thu hút đầu tư.
Điều quan trọng là VN phải duy trì được tính ổn định của kinh tế vĩ mô. Không chỉ duy trì mức lạm phát thấp mà còn phải duy trì lãi suất ổn định, giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn. Và nhất là phải giữ cho được tỉ giá không “nhảy múa” để các nhà đầu tư có thể dự đoán được biến động của thị trường và hình thành chiến lược đầu tư dài hạn.
Cạnh đó cần phải tạo được môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh thông thoáng, an toàn và minh bạch. Làm được những điều đó thì dòng tiền sẽ chảy vào VN và những lợi thế mới phát huy hiệu quả.
Tranh thủ nhập công nghệ tiên tiến
. Nhưng thưa ông, nếu kinh tế TQ lâm vào khủng hoảng trầm trọng thì bên cạnh cơ hội như ông nói cũng có rất nhiều khó khăn, thách thức cho doanh nghiệp Việt bởi họ ở sát nách chúng ta?
+ Nếu bất ổn như trên xảy ra thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế của các nước xung quanh TQ, trong đó có VN.
Có điều tôi cho rằng đối với các doanh nghiệp FDI tại VN thì việc suy yếu của kinh tế TQ là một cơ hội lớn. Bởi họ sẽ tận dụng được giá lao động còn rẻ tại VN, nguyên liệu đầu vào từ TQ rẻ, từ đó sản xuất hàng hóa ở VN xuất khẩu vào TQ. Điều này có thể sẽ kích thích một dòng đầu tư từ TQ chuyển về VN.
Đối với các nhà đầu tư, sản xuất trong nước vốn không nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu thì đây là một thách thức lớn. Khi tổng cầu TQ yếu thì sự cạnh tranh là rất khó khăn. Chỉ những ngành hàng không có sự cạnh tranh mạnh của các nhà sản xuất nội địa TQ như thủy sản, một số mặt hàng nông sản như hoa quả nhiệt đới chẳng hạn… thì hàng Việt mới cạnh tranh được. Còn đối với những mặt hàng như cao su của chúng ta thì xuất khẩu sang TQ sẽ suy giảm và rất khó cạnh tranh tại thị trường này bởi họ cũng đang dư thừa các mặt hàng trên.
Xin nói thêm, khi khủng hoảng kinh tế, TQ lại dư thừa năng lực sản xuất và VN cần phải có một chiến lược để cải thiện trình độ công nghệ sản xuất bằng cách mua lại các công nghệ tiên tiến. Các công ty TQ có thể sẽ bán công nghệ để tránh thua lỗ. Ở nước này hiện nay có tình trạng sản xuất hai tấn thép mới đủ mua một… que kem!?
Như thế, VN hoàn toàn có thể tiếp cận những công nghệ mà từ trước tới nay không thể tiếp cận. Chẳng hạn, công nghệ sản xuất thép đặc chủng. Ngoài ra khi kinh tế thế giới suy giảm, VN có thể mua được những công nghệ tiên tiến ở Nga, Brazil, Nam Phi… để thay đổi cơ bản năng lực sản xuất của VN.
Đây chính là một trong những cơ hội căn bản cần phải tính đến.
Nguồn Pháp luật TP.HCM