Chứng khoán phái sinh: trước mắt mới tập trung vào hợp đồng tương lai
Vì vậy triển khai chứng khoán phái sinh phải có lộ trình thực hiện để nhà đầu tư hiểu hết tính năng của sản phẩm.
Ông Nguyên Thành Long, Phó Chủ tịch ỦY ban chứng khoán Nhà nước trao đổi với Báo ĐTCK bên lề Hội thảo “Thị trường chứng khoán phái sinh, kinh nghiệm quốc tế và mô hình dự kiến triển khai” diễn ra tại TP.HCM sáng hôm qua.
Thị trường hiện nay rất mong mỏi có sản phẩm chứng khoán phái sinh, vậy quan điểm của UBCK khi phát triển thị trường chứng khoán phái sinh là gì thưa ông?
Theo Đề án 366 phát triển thị trường chứng khoán phái sinh đã đuợc Thủ tuớng phê duỵêt thì quan điểm chủ đạo là phát triển các sản phẩm chứng khoán phái sinh có lộ trình.
Chứng khoán phái sinh là thị trường nhằm phòng ngừa rủi ro giúp nhà đầu tư đề phòng trước các sự “nóng lạnh” của thị trường. Khi có công cụ ngưa rủi ro, nhà đầu tư yên tâm hơn đầu tư thì các họat động huy động vốn ổn định hơn, bền vững hơn.
Nhưng trong thị truờng phái sinh, bản thân sản phẩm chứng khoán phái sinh mặc dù là nhằm phòng ngừa rủi ro, nhưng các sản phẩm có thế bị đầu cơ và lại có tính đòn bẩy cao. Vì vậy cần phải thực hiện có lộ trình để nhà đầu tư hiểu hết tính năng của từng sản phẩm. Vì mỗi một sản phẩm chứng khoán phái sinh thì công năng sử dụng để phòng ngừa rủi ro và tác hại khi là công cụ đầu cơ là ranh giới rất mong manh.
Có thể ngày hôm nay với quy mô và luợng chứng khoán phái sinh như thế là phòng ngừa rủi ro, nhưng nếu ngày mai giá biến động với một luợng chứng khóan như thế lại trở thành sản phẩm đầu cơ. Cho nên nhà đầu tư phải tỉnh táo để thiết lập một khối luợng chứng khoán phái sinh làm sao cho phù hợp cho việc phòng ngừa rủi ro. Đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức và kinh nghiệm hiểu về sản phẩm. Chính vì vậy chúng ta quyết tâm đi theo lộ trình.
Các bước đi cụ thể trong lộ trình xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh như thế nào thưa ông?
Đầu tiên chúng ta thiết kế nhưng sản phẩm mục đích chủ yếu nhằm phòng ngừa rủi ro. Trong 4 loại sản phẩm phái sinh theo thông lệ quốc tế: hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi, hợp đồng kỳ hạn thì hợp đồng tương lai là đơn giản nhất và nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro là chính. Còn hợp đồng quyền chọn cũng nhằm phòng ngừa rủi ro nhưng cấu trúc hoạt động rất phức tạp và dễ trở thành công cụ để đầu cơ.
Nếu nhà đầu tư chưa nắm được hết kinh nghiệm và kiến thức, đưa ra sớm quá sản phẩm này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường.
Chính vì vậy, Ủy ban Chứng khoán quyết định bắt đầu từ những sản phẩm nhằm phòng ngừa rủi ro.
Trong cái lớp chứng khoán phái sinh phòng ngừa rủi ro là hợp đồng tương lai tại sao chúng ta lại chọn hai loại là hợp đồng tương lai chỉ số và hợp đồng tương lai trái phiếu thì đều có mục đích.
Vì hợp đồng tương lai trái phiếu là công cụ phòng ngừa rủi ro cho danh mục trái phiếu. Những nhà đầu tư tổ chức, quỹ, ngân hàng thì người ta nắm số lượng trái phiếu nhiều, sợ giá trái phiếu biến động ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp của họ sẽ sử dụng công cụ hợp đồng tương lai trái phiếu để phòng ngừa rủi ro.
Còn hợp đồng tương lai chỉ số nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro cho danh mục cổ phiếu. Những nhà đầu tư nắm giữ một cố phiếu hay nhiều cổ phiếu tức là một danh mục cổ phiếu, sử dụng hợp đồng tương lai chỉ số để phòng ngừa rủi ro cho danh mục của mình.
Hai loại hợp đồng này nhằm phòng ngừa rủi ro cho hai loại danh mục khác nhau, một loại là danh mục cổ phiếu còn một loại là danh mục trái phiếu.
Thưa ông, với lộ trình đặt ra khi nào có sản phẩm chứng khoán đầu tiên đưa vào thị trường và điều này có bị chi phối bởi những yếu tố kỹ thuật khác như việc sáp nhập hai Sở, hệ thống phần mềm chung cả hai Sở và Trung tâm lưu ký?
Để đưa sản phẩm ra, có 3 nội dung UBCKNN và các ban ngành phải thực hiện. Thứ nhất là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Điều này UBCKNN đã và đang làm. Về cơ bản tiến trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là hoàn toàn đúng với đề án mà Thủ tướng đã phê duyệt. Tức là trong hai năm 2014 – 2015 phải hoạch định xong văn bản pháp lý.
Nội dung thứ hai liên quan đến đào tạo và phổ cập tuyên truyền kiến thức về sản phẩm, thì trong quá trình lấy ý kiến xây dựng khung pháp lý vừa kết hợp để đào tạo luôn, như hội thảo hôm nay.
Đồng thời UBCKNN đang xây dựng bộ giáo trình để đào tạo người hành nghề. Dự kiến tháng 1/2015 sẽ ban hành bộ giáo trình đến các công ty chứng khoán cũng như ngân hàng vận hành chứng khoán phái sinh.
Cái thứ ba là hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin. Các Sở và Trung tâm lưu ký đang gấp rút xây dựng đề án hoàn thiện hệ thống.
Về lý thuyết thì việc triển khai không liên quan nhiều hoặc có thể nói là độc lập hoàn toàn với tiến trình hợp nhất các Sở. Vì trái phiếu hay chỉ số là những cái có hợp nhất hay không hợp nhất thì nó vẫn là loại tài sản cơ sở để chúng ta triển khai sản phẩm.
Hợp đồng tuơng lai chỉ số và hợp đồng tuơng lai trái phiếu, cái nào sẽ đuợc đưa ra thị truờng truớc?
Như hiện nay thì các sản phẩm này chúng tôi đưa chung vào một hệ thống thông tin. Như vậy khung pháp lý sẽ đưa ra cùng một lúc. Thế còn việc đưa sản phẩm nào ra sẽ phụ thuộc vào Sở giao dịch chứng khoán. Về cơ bản tôi nghĩ hai sản phẩm này là độc lập, nên đưa loại sản phẩm nào ra truớc sau không liên quan nhiều đến nhau, hoàn toàn phụ thuộc vào chủ trương của sở. Truớc khi triển khai sẽ phụ thuộc vào hạ tầng công nghệ, chắc cũng sẽ có sự thử nghiệm chạy hệ thống trước khi chào bán, niêm yết chứng khoán phái sinh.
Năm 2016, chắc chắn sẽ có sản phẩm phái sinh đầu tiên thưa ông?
Thời điểm 2016 chúng tôi quyết tâm hoàn thiện khung pháp lý, hạ tầng công nghệ cũng quyết định đến thời gian triển khai. Nhưng đưa sản phẩm nào do các Sở thiết kế, thời gian sẽ tùy thuộc vào Sở quyết định.
Nguồn Đầu tư chứng khoán