Dân trí

 
Như Phúc Thứ Ba | 27/03/2018 23:03

Chứng khoán ngày 27.3: Áp lực điều chỉnh?

Theo BVSC, với việc áp lực bán của thị trường hiện đang được duy trì ở mức cao, thị trường nhiều khả năng sẽ diễn biến điều chỉnh nhẹ.

Trong phiên ngày 27.3, thị trường giao dịch trong biên độ rộng, VN-Index giữ được ngưỡng 1.170 điểm nhờ sự nâng đỡ của VNM, VRE, NVL. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng. Kết thúc phiên, VN-Index tăng 0,51 điểm (+0,04%) lên 1.171,73 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm điểm (133 mã tăng/156 mã giảm).

Về diễn biến thị trường, sự hứng khởi từ phiên hôm qua đã tạo ra sự khởi sắc đầu phiên hôm nay (VN-Index có lúc tăng lên hơn 1.187 điểm) nhưng lực kháng cự đã tăng lên trong thời gian giao dịch buổi chiều và cuối cùng VN-Index đã đánh mất hầu hết những gì đạt được trước đó.

Sau đây, chúng tôi xin trích dẫn nhận định của các công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 27.3:

Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC; HoSE: VCI)

Tín hiệu ngắn hạn vẫn duy trì ở mức Tích cực tại các chỉ số chủ chốt với ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn tại 1.160-1.170 điểm với VN-Index, 1135- 1145 điểm với VN30 và 133 điểm với HNX-Index. Trong khi đó, chỉ số VNMidcap và VNSmallcap vẫn giữ tín hiệu ở mức Trung tính và Tiêu cực. Mặc dù VN-Index vẫn được giữ trên đường MA5 ngày, tuy nhiên KLGD của phiên test cung ngày hôm nay  cao hơn KLGD của phiên test cầu ngày hôm qua, tiếp tục là một dấu hiệu cảnh báo rủi ro đảo chiều. Việc cố gắng níu giữ tín hiệu Tích cực vẫn không thể phủ nhận chỉ số đang trong quá trình phân phối để thiết lập đỉnh ngắn hạn. Nhà đầu tư hơn lúc nào hết nên nâng cao sự thận trọng trong các quyết định giải ngân của mình ở giai đoạn này.

Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS; HoSE: FTS)

Sự xuất hiện của áp lực bán cuối phiên cho thấy thị trường vẫn chưa sẵn sàng cho nhịp tăng giá mới. Hoạt động chốt lời mạnh cũng xảy ra ở nhóm VN30 và có thể sẽ kéo dài thêm một vài phiên tới do ảnh hưởng tâm lý từ sự suy yếu của nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí. Theo đó, FPTS khuyến nghị nhà đầu tư nên thực hiện chốt lời một phần danh mục, giảm bớt lượng cổ phiếu có yếu tố đầu cơ cao và chỉ nên nắm giữ với các cổ phiếu đang giữ xu hướng tăng trung – dài hạn cho kỳ vọng báo cáo KQKD quý I sắp tới.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC; HNX: BVS)

Với việc TTCK toàn cầu giao dịch tích cực trở lại, rủi ro điều chỉnh sâu của chỉ số VN-Index đã giảm đi đáng kể. Mặc dù vậy, với việc áp lực bán của thị trường hiện đang được duy trì ở mức cao, thị trường nhiều khả năng sẽ diễn biến điều chỉnh nhẹ đi kèm mức độ phân hóa cao trong các phiên sắp tới.

Về mặt kỹ thuật, sau khi tiến đến thử thách lại vùng kháng cự mạnh 1.180-1.190 điểm, chỉ số được kỳ vọng sẽ tiếp tục xác lập các mức điểm cao mới trong thời gian tới. Vùng kháng cự mạnh tiếp theo của chỉ số được dự báo nằm tại vùng 1.220- 1.150 điểm. Mặc dù vậy, với áp lực cung tiềm ẩn tại vùng kháng cự 1.187 điểm được thể hiện trong phiên hôm nay, BVSC để ngỏ khả năng chỉ số có thể phải đối mặt với việc điều chỉnh giảm trong một vài phiên tới, trước khi tiếp tục quá trình đi lên. Ngoài ra, BVSC cũng lưu ý rằng, thị trường đang nằm trong giai đoạn biến động mạnh nên các nhà đầu tư cần đưa tỷ trọng danh mục của mình về mức cân bằng và hạn chế mua đuổi ở các phiên thị trường tăng mạnh.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC; HoSE: VDS)

Nhìn chung, không có nhiều thông tin để tạo nên sức ép lớn lên chỉ số như cuối phiên hôm nay cũng như phiên ngày 26.3. Như VDSC đã nhận định trong bản tin ngày 26.3, rung lắc sẽ diễn ra nhiều hơn khi chỉ số đang trong giai đoạn vượt đỉnh cao trong lịch sử.

Nhận định của các công ty chứng khoán mà chúng tôi trích dẫn chỉ mang tính chất tham khảo đối với các nhà đầu tư. Các công ty chứng khoán đều khuyến cáo miễn trách với những nhận định này.