Chứng khoán là kênh đầu tư không tồi sau 12 tháng
2016 từng được đánh giá sẽ có nhiều khó khăn, thử thách với chứng khoán khi mà thị trường những tháng cuối năm 2015 xảy ra nhiều biến động tiêu cực, ảnh hưởng từ những sự kiện kinh tế quốc tế và những tác động từ thị trường tài chính. Tuy nhiên, nhờ những chính sách linh hoạt đưa ra từ ngay đầu năm, đặc biệt là cách điều hành theo tỷ giá trung tâm đã phần nào giúp thị trường tài chính trải qua một năm yên ổn.
Sau 12 tháng, Vn-Index của sàn HOSE tăng gần 15%, trong khi HNX-Index tăng nhẹ gần 1% lên hơn 80 điểm. Như vậy, nếu bỏ số tiền bằng nhau mua mỗi cổ phiếu trên HOSE thì đến cuối năm, danh mục sở hữu đó sẽ đạt mức sinh lời 15%, chưa tính tới các khoản cổ tức, cổ phiếu thưởng nhận được trong năm.
Thực tế, 2016 cũng không phải là năm yên ổn khi thị trường tài chính quốc tế trải qua nhiều sự kiện chưa có tiền lệ và trái ngược hoàn toàn với các dự đoán kết quả được đưa ra, từ câu chuyện Brexit cho tới bầu cử Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, trước những sự kiện này, thị trường thực tế chỉ giảm trong 1-2 phiên và nhanh chóng hồi phục. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhà đầu tư đã trở nên bình tĩnh hơn và suy xét kỹ lưỡng về tác động thực sự của những biến động quốc tế đến tình hình kinh tế, đồng thời biết tận dụng cơ hội từ những phiên giảm điểm sâu để có thể “gom hàng” với giá rẻ. Nhờ vậy, thị trường đã có lực cầu mạnh trong những phiên giảm điểm để nhanh chóng hồi phục.
Quy mô thị trường chứng khoán sau một năm cũng biến động mạnh. Tổng vốn hóa của các cổ phiếu niêm yết trên HNX và HOSE tính đến cuối năm 2016 đạt gần 1,65 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 72,5 tỷ USD. Đối với thị trường UPCoM, nhờ sự gia nhập của nhiều doanh nghiệp lớn, vốn hóa của các cổ phiếu được giao dịch trên thị trường đã tăng hơn 5 lần so với đầu năm, vượt mốc 10 tỷ USD. Tổng vốn hóa toàn thị trường đạt hơn 85 tỷ USD, xấp xỉ 40% GDP.
Trong đó, những cái tên có vốn hóa vượt 100.000 tỷ đồng tính đến thời điểm kết thúc năm 2016 có thể kể đến như Vinamilk, Vietcombank, Sabeco, Tập đoàn Vingroup hay Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam – ACV. Bên cạnh thị giá cổ phiếu duy trì ổn định và tăng trong năm, việc gia tăng khối lượng cổ phiếu niêm yết cũng là một phần lý do giúp vốn hóa các doanh nghiệp tăng mạnh, như Vietcombank đã niêm yết bổ sung hơn 900 triệu cổ phiếu, Tập đoàn Vingroup hơn 760 triệu cổ phiếu.
Bên cạnh đó, cũng không thể thiếu những “tân binh” tiêu biểu đã được niêm yết và giao dịch cổ phiếu trong năm 2016, như hai doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam là Sabeco và Habeco, ngoài ra còn có những cái tên khác như Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam – ACV, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) và ngay trong đầu năm 2017 sẽ là Vietnam Airlines, Masan Consumer, FPT Telecom…
Đối với nhà đầu tư trên thị trường, năm 2016 cũng có thể xem là năm nhiều cảm xúc khi mà thị trường từng ghi nhận cú giảm điểm mạnh nhất từ hiệu ứng Brexit vào phiên giao dịch 24/06, Vn-Index đã có lúc giảm hơn 34 điểm, thanh khoản cao kỷ lục với 6.130 tỷ đồng. Nhưng ngay sao đó, thị trường với tâm lý hứng khởi đã phá đỉnh sau 8 năm ròng rã đạt gần 689 điểm vào phiên giao dịch ngày 19/10.
Đồng thời, cũng không thể không nói đến những cố phiếu với mức tăng nổi bật trong cả năm 2016. Đơn cử như cổ phiếu SIC của Công ty cổ phần Đầu tư – Phát triển Sông Đà, nếu như ở thời điểm đầu năm mỗi cổ phiếu SIC chỉ được giao dịch tại mức giá 4.800 đồng mỗi cổ phiếu thì đến cuối năm, thị giá của cổ phiếu đã đạt 33.000 đồng, gấp gần 7 lần. Hay như trường hợp cổ phiếu TV2 của Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2, thị giá cổ phiếu cuối năm 2016 đạt 199.000 đồng mỗi cổ phiếu – nằm trong nhóm những cổ phiếu đắt giá nhất thị trường chứng khoán, gấp hơn 4 lần so với thời điểm đầu năm.
Một số cái tên khác cũng có thể kể đến như cổ phiếu DTL của Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc với mức tăng gần 4 lần, cổ phiếu KTS của Công ty cổ phần Đường Kon Tum, cổ phiếu TLH của Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên hay cổ phiếu SMC của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC với mức tăng hơn 3 lần.
Đánh giá về thị trường chứng khoán trong năm 2016, trong một phát biểu mới đây, ông Vũ Bằng – Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết, dù còn nhiều khó khăn, nhưng về cơ bản TTCK đạt được kết quả tích cực với việc trở thành thị trường chứng khoán đứng trong 5 nước có mức tăng trưởng lớn nhất thế giới. Tổng danh mục đầu tư đạt con số tích cực trên 17 tỷ USD.
“Cộng đồng thế giới nhìn nhận những cải cách, đổi mới kinh tế và thị trường chứng khoán của Việt Nam trong thời gian vừa qua”, ông Vũ Bằng cho biết.
Nguồn VnExpress