VnEconomy
Chứng khoán đang kéo vàng, USD ra khỏi két?
Thông tin Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đưa ra khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội cuối tuần qua cho thấy, một lượng vốn lớn của dân cư trú ẩn trong vàng, ngoại tệ trước đây quả thực đã chuyển hóa.
Theo đó, không nhất thiết phải huy động nguồn lực vàng, ngoại tệ trong dân cư bằng huy động và cho vay mà có thể dẫn tới nhiều bất ổn như trước đây. Thay vào đó, với tác động của chính sách tiền tệ, thị trường chứng khoán cũng đang kích thích nguồn lực tưởng như "nằm im" đó.
Quy mô chuyển hóa lớn
Như VnEconomy từng đề cập, trả lời chất vấn Quốc hội, Thống đốc Lê Minh Hưng một lần nữa khẳng định quan điểm huy động nguồn lực vàng, ngoại tệ trong dân cư bằng cách chuyển hóa: bằng sự điều hành ổn định, ổn định được vĩ mô, củng cố được giá trị của đồng tiền Việt Nam qua kiểm soát tốt lạm phát, tạo được niềm tin trong dân cư, thì nguồn lực đó sẽ chuyển hóa để đi vào sản xuất, kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng.
Ở khía cạnh thứ nhất, như Thống đốc diễn giải tại nghị trường, nhiều năm trước Việt Nam thường xuyên phải dùng ngoại tệ để nhập vàng về. Những năm gần đây và đến nay, thị trường vàng ổn định và tự điều tiết được mà không phải chi ngoại tệ để nhập vàng; nguồn lực ngoại tệ đó được dùng cho sản xuất, kinh doanh… Và đây là một kết quả gián tiếp huy động nguồn lực.
Ở khía cạnh thứ hai, trực tiếp hơn, một lượng lớn vàng và ngoại tệ đã chuyển đổi sang VND để đi vào thị trường.
Cao điểm trước đây, khi còn huy động và cho vay vàng, lượng vàng nằm trong hệ thống ngân hàng Việt Nam dưới các hình thức từng lên tới khoảng 160 tấn. Đến cuối 2013, khi chỉ được chuyển sang dạng giữ hộ, số dư vàng giữ hộ vào khoảng 32 tấn. Quy mô này liên tục giảm mạnh và đến 31/6/2017 chỉ còn 2,89 tấn.
Lượng vàng lớn đã đi ra thị trường, đáp ứng nhu cầu giao dịch và tiêu dùng thay vì phải liên tục dùng ngoại tệ để nhập về. Song song, vàng bán ra và chuyển đổi thành VND đi vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng…
Với ngoại tệ, tại phiên chất vấn nói trên, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước đưa ra một chi tiết đáng chú ý: năm 2016, cán cân thanh toán của Việt Nam chỉ thặng dư khoảng 5 tỷ USD, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã mua ròng tới 9 tỷ USD.
Điều đó có nghĩa, một lượng lớn ngoại tệ "găm két" trước đây đã chuyển hóa sang VND, bán lại để Ngân hàng Nhà nước mua vào tăng dự trữ ngoại hối.
Tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán (M2) qua các năm - Nguồn: Ngân hàng Nhà nước (đơn vị: %).
Tương tự, cập nhật đến năm 2017, cán cân thanh toán 9 tháng đầu năm chỉ thẳng dư ước khoảng 4,8 tỷ USD, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã mua vào tới 6 tỷ USD (và một tháng gần đây tiếp tục mua thêm 1 tỷ USD). Một lượng lớn ngoại tệ tiếp tục chuyển hóa.
Khớp với diễn biến trên, tăng trưởng tiền gửi ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng cũng đã thay đổi nhanh chóng, góp phần phản ánh sự chuyển hóa đó.
Cụ thể, nếu năm 2010, huy động vốn bằng ngoại tệ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tăng tới 20,95%, thì ngay năm sau đó 2011, với chính sách áp trần lãi suất, huy động vốn ngoại tệ chỉ còn tăng 4,1%.
Năm 2015, tăng trưởng huy động ngoại tệ bật trở lại với 14,8% trong một năm tỷ giá USD/VND biến động khá mạnh, nhưng đến tháng 10/2016 ghi nhận mức tăng trưởng âm tới 6,12%...
Đặc biệt, ở khía cạnh nguồn lực trong dân cư, cùng với xu hướng chuyển hóa trên, lượng tiền gửi ngoại tệ của dân cư vào ngân hàng giảm rất mạnh, như mức giảm lên tới 21,99% tại thời điểm 10/2016 và tiếp tục giảm thêm 2,91% ghi nhận cuối tháng 10/2017 so với cuối năm liền trước.
Hay ở khía cạnh lượng tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán (M2) cũng liên tục giảm từ năm 2010 đến nay: năm 2010 ở mức 16,7%, năm 2011 còn 15,84%, năm 2012 là 12,36%, năm 2013 là 12,42%, năm 2014 là 11,6%, năm 2015 là 10,99%, năm 2016 là 8,92%, và đến 30/6/2017 ở mức 8,59%.
Tiền đổ mạnh vào chứng khoán
Như trên, chính sách tiền tệ điều hành theo hướng tạo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát thấp, củng cố giá trị VND, tạo niềm tin cho người dân để kích thích chuyển hóa nguồn lực vàng, ngoại tệ.
Song song, thị trường chứng khoán khởi sắc và sôi động, liên tục mở rộng quy mô, đã và đang góp phần kích thích thêm xu hướng chuyển hóa trên, lôi nguồn lực vàng, ngoại tệ ra khỏi két.
Cũng theo thông tin Thống đốc Lê Minh Hưng đưa ra tại phiên chất vấn nói trên, dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán của hệ thống ngân hàng hiện chỉ ở khoảng 10.000 tỷ đồng, tỷ trọng giảm tới 40% so với năm 2016.
Trong khi đó, bên cạnh các chỉ số, quy mô giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục gia tăng, với những kỷ lục mới (cao điểm có phiên gần 21.000 tỷ đồng). Bên cạnh sự tham gia mạnh của khối đầu tư nước ngoài, nguồn tiền nhà đầu tư nội, trong đó có một bộ phận chuyển hóa từ vàng, ngoại tệ là một lực đẩy.
Quy mô giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán (HOSE, HNX và trái phiếu) - Nguồn: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (đơn vị: tỷ đồng).
Thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, sau khi vượt mốc 10.000 tỷ đồng quy mô giá trị giao dịch toàn thị trường mỗi phiên bình quân hàng tháng (cổ phiếu và trái phiếu), rồi vượt mốc 14.000 tỷ vào tháng 11/2016, thì năm 2017 mốc 17.000 tỷ đồng đã vượt qua, tiến gần quy mô bình quân 18.000 tỷ đồng trong tháng 4 và 5.
Đăc biệt, từ đầu tháng 11 đến nay, lần đầu tiên sau 10 năm chỉ số VN-Index tiến sát mốc 900 điểm.
Bên cạnh hướng chuyển hóa, dịch chuyển vốn từ vàng, ngoại tệ sang, sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam gắn với đà hồi phục của tăng trưởng kinh tế, cũng như trên cơ sở sát sườn hơn là tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết đang cải thiện.
Trên cơ sở 677 công ty có báo cáo, tổng lợi nhuận 6 tháng 2016 đạt 58.736,32 tỷ đồng, thì 6 tháng 2017 đã lên 72.500,4 tỷ đồng; các chỉ số hiệu quả ROA từ 1,11% lên 1,16%, mạnh hơn ở ROE từ 6,13% lên 6,85% trong cùng kỳ so sánh.
Và năm 2017, với sự sôi động và quy mô giao dịch tăng mạnh, hoạt động huy động vốn qua thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp có môi trường và điều kiện thuận lợi hơn. Điều này phát huy giá trị và chức năng của thị trường vốn, qua đó giảm tải cho kênh cung vốn từ ngân hàng thương mại.
Nguồn vneconomy