Chứng khoán bươn chải thời... khó
Chán nghề, bỏ việc
Nữ nhân viên tại một công ty chứng khoán là công ty thành viên một ngân hàng lớn cho biết cô đang luyện tiếng Anh để chuẩn bị đi du học. Quyết định được đưa ra sau khi cô nhận thấy công việc ở phòng nghiên cứu đang ngày càng nhàm chán và không có triển vọng. Mặc khác, mức lương của cô và nhiều người khác trong phòng cũng vừa bị cắt giảm từ cuối năm 2012.
Một nhân viên khác của công ty chứng khoán có trụ sở tại quận 1, TPHCM chia sẻ, những người bạn trước đây cùng làm việc trong ngành giờ đã nghỉ hết, số còn lại gắn bó với nghề phân tích chỉ đếm trên một bàn tay. Người này cho rằng, những người trụ lại đều là những người phải vượt qua nhiều khó khăn, tâm huyết với nghề và cũng có những người do chưa tìm được việc phù hợp hơn nên phải cố gắng bám trụ.
Trong những câu chuyện ngoài giờ làm việc của dân môi giới cũng thường kể nhau nghe về những đồng nghiệp của mình bỏ nghề vì chán nản. Nhiều người chuyển sang công việc khác và trong số đó có người về phụ gia đình kinh doanh buôn bán áo quần, có người về mở quán ăn.
Kể từ sau đợt phục hồi năm 2009, thị trường chứng khoán đổ đèo, nhà đầu tư buồn rầu, các công ty chứng khoán phần lớn tiếp tục thua lỗ hoặc đạt được kết quả rất thấp. Dạo một vòng trên đường Nguyễn Công Trứ, quận 1, TPHCM, vốn được gọi là “phố Wall” trước đây thì cảnh tượng đã khác xưa. Các sàn giao dịch không còn đông đúc, nơi nào xum tụ lắm cũng độ 15-20 nhà đầu tư bám sàn. Rất nhiều công ty chứng khoán đã phải đóng cửa phòng giao dịch ở các khu vực này để cắt giảm chi phí.
Thực tế việc làm cho ngành chứng khoán cũng không còn phong phú. Một số đơn vị có ghi thông tin tuyển dụng tại website công ty, tuy nhiên vị trí tuyển dụng thường là chuyên viên phân tích cao cấp và ưu tiên cho những người tốt nghiệp đại học nước ngoài, hoặc vị trí môi giới có kinh nghiệm và doanh số cạnh tranh. Do đó, các công việc trong ngành chứng khoán trong thời buổi khó khăn rất khó dành cho sinh viên mới ra trường hoặc họ phải chấp nhận mức lương thấp.
Từ đầu năm 2013, thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều đợt sóng giúp các chỉ số tăng điểm đáng kể và việc VN-Index vượt mốc 500 điểm từng giúp nhà đầu tư phấn chấn trở lại. Tuy nhiên, niềm vui này không duy trì được lâu khi trong 2 tháng gần đây thị trường đã điều chỉnh và giao dịch trở nên ảm đạm. Có nhà đầu tư thua lỗ và đổ lỗi cho cái “mạng hỏa” của mình đã thiêu đốt hết tiền của.
Hết thời vàng son
Còn nhớ thời hoàng kim của thị trường chứng khoán, đỉnh điểm là năm 2007, quy mô thị trường tăng mạnh với tổng giá trị vốn hóa đạt hơn 500.000 tỷ đồng, bằng tới gần 40% GDP cả nước. Với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường, người người chơi chứng, nhà nhà chơi chứng khoán, các công ty chứng khoán mọc lên như nấm.
Hơn 100 CTCK chen chân nhau hoạt động với nhiều chi nhánh, phòng giao dịch từ Bắc vào Nam. Những người không học chuyên môn và chỉ cần biết biết chơi chứng cũng có thể có một chân môi giới tại một công ty chứng khoán nào đó.
Điều gì đến cũng sẽ đến, bong bóng chứng khoán vỡ tung trong năm 2008 khiến nhiều người tỉnh ngộ. Thị trường chứng khoán nhiều thời điểm bị giảm sâu và các chỉ số liên tục phá vỡ kỷ lục các mức thấp nhất trong lịch sử.
Các đợt phục hồi của thị trường đều được cho rằng có sự góp sức của dòng tiền đầu cơ và thiếu tính bền vừng. Nhà đầu tư lần lượt từ bỏ giấc mơ và rời khỏi thị trường trong tâm trạng chán nản.
Tình trạng thua lỗ, rút nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, giải thể công ty không còn xa lạ với nhà đầu tư. Cuối tháng 3/3013, vị lãnh đạo của một công ty chứng khoán đang lên kế hoạch giải thể đã phải gửi lời xin lỗi đến cổ đông vì trong suốt 7 năm hoạt động chưa mang lại gì cho cổ đông và chỉ một lần duy nhất chia cổ tức.
Ông chia sẻ rằng nếu tiếp tục giữ lại vốn của cổ đông trong tình hình hiện nay thì cũng không biết đến khi nào mới khắc phục được tình trạng thua lỗ, thậm chí còn có nguy cơ mất trắng.