Thứ Hai | 17/06/2013 15:43

"Chưa thể đưa ra văn bản luật thống nhất dành cho hoạt động phái sinh"

Đây là phát biểu của bà Bùi Thúy Hằng về chính sách của NHNN trong thời gian tới liên quan đến phát triển thị trường phái sinh tại Việt Nam.
Tại hội thảo "Tương lai của thị trường tài chính: Sản phẩm phái sinh?" ngày 17/6, bà Bùi Thúy Hằng - Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, Nhà nước chưa thể đưa ra một văn bản luật thống nhất về hoạt động phái sinh tại Việt Nam hiện nay.

Đồng tình với việc phát triển thị trường phái sinh

Phát biểu tại hội thảo, bà Hằng chỉ rõ rằng các sản phẩm phái sinh là một loại dịch vụ tài chính liên quan đến các ngân hàng, giúp ngân hàng đa dạng hóa sản phẩm và giúp phòng vệ rủi ro cho doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp thực hiện sản phẩm phái sinh giúp tạo cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam.

"Trước xu hướng phát triển của thị trường phái sinh trên thế giới và hội nhập quốc tế, việc triển khai các sản phẩm phái sinh theo quan điểm của NHNN là hoàn toàn phù hợp", bà Hằng cho biết.

Tuy nhiên, bà Hằng nhấn mạnh rằng không phải tất cả các tổ chức tín dụng (TCTD) và doanh nghiệp đều có hiểu biết và kinh nghiệm về lĩnh vực phái sinh, NHNN phải xem xét TCTD nào đủ điều kiện để tham gia cung cấp các sản phẩm phái sinh.
Phát triển thị trường phái sinh gặp nhiều khó khăn

"Hiện nay việc thực hiện các công cụ phái sinh phải dựa trên cơ sở pháp lý hiện hành và hiện nay vẫn còn một số vướng mắc", bà Hằng cho biết.

Dẫn giải điều này, bà Hằng chỉ ra rằng luật TCTD 1997 chưa đưa ra khái niệm thế nào là sản phẩm phái sinh. Đến năm 2010, luật các TCTD đã đưa ra khái niệm này nhưng vẫn còn hạn chế liên quan đến các sản phẩm phái sinh hàng hóa.

Ngoài ra, sản phẩm phái sinh hàng hóa do TCTD cung cấp cho các doanh nghiệp do Bộ công thương hay NHNN điều chỉnh vẫn gây ra mâu thuẫn. Do đó, Nhà nước chưa thể đưa ra một văn bản luật thống nhất cho giao dịch các sản phẩm phái sinh.

Hiện nay, NHNN cho phép một số TCTD được thí điểm thực hiện một số sản phẩm phái sinh như hoán đổi lãi suất, hoán đổi giá cả hàng hóa, tương lai hàng hóa, kỳ hạn hàng hóa, quyền chọn hàng hóa, và phái sinh sản phẩm tín dụng. Thời gian thí điểm trong vòng 1 năm, các doanh nghiệp sẽ xem xét có tiếp tục thực hiện trong năm tới không.

Mặc dù vậy, theo số liệu bà Hằng đưa ra, trong số 8 TCTD được phép cung cấp sản phẩm hoán đổi chỉ có 3 tổ chức có giao dịch. Trong số 12 TCTD được cho phép thực hiện sản phẩm tương lai, chỉ có 6 TCTD thực hiện và chưa có TCTD nào cung cấp sản phẩm kỳ hạn.

Theo bà Hằng, thị trường Việt Nam còn tương đối nhỏ, các sản phẩm phái sinh về sản phẩm tín dụng tương đối phức tạp, các sản phẩm phái sinh vẫn phải áp dụng mức trần lãi suất hiện tại nên chưa thu hút được các doanh nghiệp sử dụng.

"Điều kiện bắt buộc để các TCTD ở Việt Nam chỉ được cung cấp các sản phẩm phái sinh cho những doanh nghiệp muốn phòng vệ rủi ro chứ không được phép dùng để đầu cơ", bà Hằng cho biết thêm.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện