Chưa phải thời điểm phá giá tiền đồng
Đâu là lý do đẩy tỷ giá có xu hướng tăng lên trong những ngày gần đây, thưa ông?
Diễn biến tỷ giá nhích dần gần đây đã gây ra nhiều tranh luận xung quanh việc có nên phá giá tiền đồng hay không. Tuy nhiên, tôi cho rằng, tỷ giá tăng chủ yếu xuất phát từ yếu tố tâm lý và đầu cơ.
Hiện tại, không có yếu tố vĩ mô nào hỗ trợ cho việc tăng tỷ giá, như cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn tích cực, dự trữ ngoại tệ vẫn lớn. Mặc dù nhập siêu gần đây tăng, nhưng chưa phải là yếu tố làm cho cầu về ngoại tệ thị trường tăng lên một cách đột biến để gây áp lực lên tỷ giá.
Ông có thể nói rõ hơn về yếu tố tâm lý tác động đến tỷ giá và theo ông, có cần thiết phải sớm điều chỉnh tỷ giá?
Đó là các yếu tố bên ngoài tác động đến tâm lý trong nước, khi có hơn 20 quốc gia trên thế giới đã phá giá đồng nội tệ nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Trong đó, có những nước rất lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc đã phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu, kích thích tăng trưởng kinh tế.
Xét thấy trong bối cảnh này, nếu Việt Nam không điều chỉnh tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, các yếu tố trên thị trường gần đây chưa đủ sức để biện minh cho việc phải phá giá tiền đồng lúc này. Theo tôi, hiện chưa phải là thời điểm để phá giá tiền đồng, nhưng cũng nên quan sát thị trường một cách chặt chẽ.
Theo ông, nên tiếp tục “neo” tỷ giá hay linh hoạt hơn để hỗ trợ xuất khẩu?
Theo cam kết của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành và kiểm soát tỷ giá của năm 2015 thì hiện vẫn còn 1% room biên độ tỷ giá, nên vẫn còn biên độ để điều chỉnh khi cần thiết. Nhưng cung - cầu ngoại tệ trên thị trường vẫn chưa cho thấy dấu hiệu mất cân đối.
Các yếu tố trên thị trường chưa đủ sức để biện minh cho việc phải phá giá tiền đồng lúc này (ảnh minh họa) |
Yếu tố quan trọng có thể làm tăng áp lực đối với tỷ giá trong thời gian tới là sức khỏe đồng USD mạnh lên. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến điều chỉnh lãi suất cơ bản USD vào cuối năm nay. Việc này sẽ tác động lên các đồng tiền khác, nên không loại trừ ảnh hưởng đến tiền đồng của Việt Nam. Vì thế, dù hiện tại chưa phải là thời điểm để điều chỉnh, nhưng nếu “neo” tỷ giá cứng nhắc sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu. Do vậy, việc kiểm soát tỷ giá cần có sự linh hoạt trong biên độ cho phép.
Nhưng điều chỉnh tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến nhập khẩu, thưa ông?
Một khi tỷ giá tăng thì các nhà nhập khẩu và cả những nhà xuất khẩu có nhập khẩu nguyên liệu phải trả giá cao hơn. Khi tỷ giá tăng thì các mặt hàng nhập khẩu ở trong nước cũng sẽ được điều chỉnh tăng giá, ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô và lạm phát. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường và bức tranh kinh tế hiện nay, thì việc tỷ giá có tăng thêm 1% cũng không phải là điều đáng ngại.
USD tăng giá mạnh so với euro tác động ra sao đến xuất khẩu?
Việc này sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, nhất là với các doanh nghiệp xuất khẩu có nhập khẩu nguyên liệu được trả bằng euro, nhưng bán hàng thanh toán bằng USD. Hiện USD đang tăng mạnh so với euro, nếu tiền đồng tiếp tục được “neo”, thì tỷ giá sẽ tăng lên so với euro. Vì thế, những nhà nhập khẩu nguyên liệu trả bằng euro, nhưng bán hàng thanh toán bằng USD sẽ bị thiệt hại.
Ông đánh giá thế nào về sức khỏe của USD và euro trong ngắn hạn?
Tôi cho rằng, trong ngắn và cả dài hạn, USD sẽ tiếp tục tăng giá vì tình hình kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi bền vững. Một khi kinh tế tăng trưởng bền vững thì Fed có thể sẽ điều chỉnh tăng lãi suất, làm tăng giá trị đồng bạc xanh. Ngoài ra, giá dầu và giá vàng sụt giảm cũng tác động tích cực lên USD.
Trong khi đó, tại khu vực châu Âu, tình hình kinh tế vẫn chưa ổn định, khiến euro tiếp tục chịu áp lực giảm giá.
Nguồn Đầu tư