Chưa phải lúc để nhà đầu tư lướt sóng
Nỗi thất vọng trong việc đàm phán TPP thất bại đã nhấn chìm thị trường trong tuần vừa qua khi cả hai sàn nhanh chóng đánh mất các vùng hỗ trợ của mình. Đặc biệt, VN-Index chốt tuần quanh ngưỡng 603,76 điểm, ghi nhận mức giảm mạnh 2,8% trong tuần.
Nổi bật, VCB gây thất vọng lớn khi giảm đến 10% trong tuần, tạo áp lực không nhỏ lên đà giảm chung của VN-Index. Ngân hàng cũng chính là một điểm nhấn với hàng loạt thông tin đáng chú ý diễn ra:
+ Ngân hàng nhà nước (NHNN) xác nhận thông tin tiếp nhận thoái vốn của PVN tại PVcom Bank.
+ KDC ngừng kế hoạch đầu tư 1.000 tỷ đồng vào Ngân hàng Đông Á khi cho rằng Đông Á còn quá nhiều điều phải cải thiện.
+ NHNN không loại trừ khả năng sẽ đưa nhân sự vào Eximbank để điều hành và quản lý thông qua số cổ phần của Vietcombank nắm giữ (8,2%) sau khi cho rằng hoạt động điều hành EIB đang có nhiều điều không rõ ràng.
+ Cuối cùng là thông điệp Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh lại mục tiêu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Vì vậy, nhóm ngành này dự kiến sẽ tiếp tục “nóng” giai đoạn tới và không loại trừ khả năng sẽ có nhiều thông tin bất ngờ được công bố giai đoạn tới.
Phiên cuối tuần, thị trường nhen nhóm một chút hi vọng với thông tin cần lưu ý qua việc ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiết lộ trong tháng 8 dự kiến sẽ có văn bản hướng dẫn về nới room. Tuy nhiên, mọi chi tiết thì vẫn chưa được công bố.
Riêng góc nhìn kỹ thuật, VN-Index có nhịp bật trở lại khi vừa chạm vào ngưỡng hỗ trợ Fibonacci quanh 38,2%. Tuy nhiên, xu hướng ngắn hạn của chỉ số này vẫn là giảm điểm trừ phi VN-Index có thể vượt qua được ngưỡng kháng cự quanh 615 điểm. Vì vậy, thời điểm này chưa phải là thời điểm cho nhà đầu tư lướt sóng.
Riêng đối với nhóm nhà đầu tư trung và dài hạn (trên 6 tháng), vùng giá 580 – 600 điểm có phần khá hấp dẫn để giải ngân một phần danh mục khi P/E của VN-Index đang ở mức thấp 12,2 lần (nguồn: Bloomberg), thấp hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực như mức 19,35 lần của SET Thái Lan, Straight Time Index Singapore (14,3 lần), Bursa Index Malaysia (16,9 lần), PSEI Philippine (21 lần), JCI Indonesia (25,7 lần), … trong khi Việt Nam dự kiến sẽ đạt một mức tăng trưởng GDP khả quan khoảng 6,4% – 6,5% trong năm 2015.
Một số cổ phiếu cơ bản tốt đáng chú ý: HT1, KBC, VNM, DRC, HSG, NT2, FCN, KDH, MBB, PLC, IMP, TCM.
Đinh Minh Trí