Thứ Hai | 02/02/2015 11:18

Chưa phải lúc bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng

Nếu không điều tiết tốt mà xả van tín dụng ra dễ dãi sẽ dẫn tới chuyện hạ chuẩn tín dụng.

Hệ thống ngân hàng (NH) vẫn cần định hướng nhất định của NHNN trong phát triển kinh doanh, đặc biệt là mức tăng trưởng tín dụng. Chúng ta đã có quá nhiều bài học trong thời kỳ phát triển nóng trước đây. Nếu không điều tiết tốt mà xả van tín dụng ra dễ dãi sẽ dẫn tới chuyện hạ chuẩn tín dụng.

Vì sao phải áp quota tín dụng?

Năm 2015, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD) toàn hệ thống ở mức 13 – 15%. Từ mức tăng chung của toàn ngành, NHNN tiếp tục giao chỉ tiêu TTTD cho từng NHTM. Như vậy, 2015 là năm thứ 4 liên tiếp NHNN thực hiện cấp “quota” TTTD và các NH cũng quen với “nếp” làm việc này của cơ quan quản lý.

Còn nhớ cách đây 3 năm (đầu năm 2012), khi lần đầu tiên NHNN đưa ra quy định cấp hạn mức TTTD phân chia theo nhóm, các NH tỏ ra lo lắng không biết mình sẽ được xếp vào nhóm nào để được tỷ lệ TTTD nhiều hơn. Thời kỳ đó, khi nhận được “trát” của NHNN, không ít lãnh đạo NH tỏ ra khá thất vọng về chỉ tiêu mà cơ quan quản lý giao sao thấp như vậy. Họ lo lắng vì tín dụng vẫn là mảng lĩnh vực kinh doanh chính bị thu hẹp đáng kể so với trước đây.

Bởi, trước năm 2011, nhất là giai đoạn 2007 – 2008, tín dụng tăng chóng mặt 40% thậm chí 50% nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư của nền kinh tế, trong khi khả năng quản trị rủi ro của NH còn hạn chế, không theo kịp. Và hệ quả nhãn tiền là việc sử dụng vốn không đúng mục đích gây nhiều hệ luỵ cho hệ thống NH: nợ xấu tăng mạnh, cho vay sân sau, sở hữu chéo làm méo mó hoạt động NH, thanh khoản của các NH giảm mạnh...

Với những nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn hệ thống, NHNN đã quyết định áp quota TTTD cho các NH theo sức khoẻ của từng NH, “thiết quân luật” với hoạt động cấp tín dụng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo nhận định chung của thị trường, việc hạn chế tín dụng nóng qua việc cấp hạn mức cho từng NH là rất cần thiết. “Nếu không thắt tín dụng để các NH tập trung nguồn lực thu hồi, xử lý nợ xấu… không biết nợ xấu của NH sẽ tăng đến đâu và an toàn của hệ thống chắc chắn bị đe doạ”, một chuyên gia NH bình luận.

Đến thời điểm này, theo chia sẻ của Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng, các NH hoàn toàn quen với việc giao chỉ tiêu tín dụng của NHNN và điều này giúp các NH định hướng được kế hoạch kinh doanh.

Thực tế, lúc mới thực hiện quy định mới này, OCB cũng như nhiều NH thấy lo lắng nhưng trên thực tế 3 năm qua, các NH không gặp trở ngại gì đối với “barie” này. Trong quá trình cấp tín dụng, nếu sử dụng hết room, NH có thể báo cáo NHNN xem xét phê duyệt điều chỉnh hạn mức TTTD tuỳ theo nhu cầu mở rộng hoạt động cho vay. Tùy từng NH, có NH không được điều chỉnh, có NH được điều chỉnh ít, NH được điều chỉnh nhiều. Như năm 2014, TPBank, SeABank tăng trưởng tín dụng tới hơn 50%; NamABank tăng 35%...

“Việc cho phép điều chỉnh hạn mức của NHNN căn cứ trên chất lượng hoạt động, khả năng thanh khoản, quản trị rủi ro của từng NH”, lãnh đạo một NH cho biết thêm. Tín dụng vẫn tăng trong khi nợ xấu phát sinh từ những khoản vay mới rất thấp, cho thấy sức khoẻ của các NH đã cải thiện rõ nét. Việc kiểm soát chặt chẽ của NHNN khiến NHTM phải quản lý chất lượng tín dụng tốt hơn.

Một trong những tiêu chí quan trọng để xét giao chỉ tiêu TTTD là tỷ lệ nợ xấu. Đây chính là tác động khiến tín dụng tăng mà nợ xấu không tăng - một trong những yêu cầu quan trọng của NHNN và của cả nền kinh tế đối với các NHTM. Tuy nhiên, sau một thời gian chấn chỉnh mạnh của cơ quan quản lý, thị trường tài chính - NH đang dần bền vững, ổn định. Tuy vậy, còn có ý kiến cho rằng, trong khi sức cầu của nền kinh tế còn thấp nên đề nghị NHNN bỏ việc cấp hạn mức TTTD. Vậy đã đến lúc dỡ bỏ hạn mức TTTD?

Có nên gỡ bỏ?

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thị trường tiền tệ đã trở lại tình trạng bình thường sau nhiều năm biến động, thanh khoản NH đã ổn định, nợ xấu đã được xử lý ráo riết, sở hữu chéo đang được cơ quan quản lý mạnh tay xử lý... là những cơ sở quan trọng để NHNN nghiên cứu bỏ quota tín dụng đối với các NHTM. Đó cũng là đề xuất của TS. Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện CIEM.

Ông Thành cho rằng, NHNN không cần phải áp dụng quota tín dụng đối với từng NH nữa. Bởi các NH đã “thấm thía” hậu quả TTTD nóng là những món nợ xấu. Mặt khác, để kinh tế thị trường tự vận hành, cần tháo gỡ những can thiệp hành chính. Vậy các NH – những đối tượng chịu ảnh hưởng chính nói sao về “barie” này?.

Theo Phó tổng giám đốc MaritimeBank, NHNN có thể gỡ bỏ quota tín dụng vì cơ quan quản lý rất linh hoạt khi vẫn nới room tín dụng nếu NH đề xuất hợp lý và có cơ sở. Bên cạnh đó, NHNN hoàn toàn đủ khả năng để kiểm soát tín dụng khi có dấu hiệu “tăng trưởng nóng”.

Về lý thuyết, nền kinh tế đang vận động theo kinh tế thị trường thì cần giảm bớt những giải pháp hành chính. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, TS. Lê Thành Trung – Phó tổng giám đốc HDBank tỏ ra thận trọng. Ông nhận định: Việc bỏ quy định này sớm quá chưa hẳn đã là tốt, thậm chí có thể gây hệ lụy. Tuy nền kinh tế đã tốt lên nhưng để khẳng định thực sự khoẻ mạnh và có thể vận hành một cách trơn tru thì cần có thêm thời gian. Nên vai trò dẫn dắt thị trường cũng như định hướng chính sách của cơ quan quản lý là NHNN vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng.

Cùng chung quan điểm, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho rằng, mức cải thiện của hệ thống NH cũng như nền kinh tế chưa thực sự bền vững. Vì vậy, thận trọng là cần thiết. “Đọc báo mấy năm trước, một trong những vấn đề được các chuyên gia yêu cầu mạnh nhất đối với hệ thống NH là phải kiểm soát mức độ TTTD để tránh gây hậu quả đối với nền kinh tế, nên cơ quan quản lý buộc phải kiểm soát điều này. Và khi chưa thực sự yên tâm về sự ổn định bền vững của hệ thống thì đương nhiên NHNN sẽ chưa thể dỡ bỏ ràng buộc trên”, ông Tùng chia sẻ thêm.

Thời điểm có thể dỡ bỏ “barie” tín dụng được lãnh đạo các NH trên cho rằng phụ thuộc rất nhiều vào chuyển biến của nền kinh tế. Theo quan điểm của TS. Lê Thành Trung, ít nhất trong nửa đầu năm 2015 không nên có điều chỉnh. Hệ thống NH vẫn cần định hướng nhất định của NHNN trong phát triển kinh doanh, đặc biệt là mức TTTD. Chúng ta đã có quá nhiều bài học trong thời kỳ phát triển nóng trước đây. Nếu không điều tiết tốt mà xả van tín dụng ra dễ dãi sẽ dẫn tới chuyện hạ chuẩn tín dụng.

“Chúng ta phải xác định một điều chắc chắn, từ nay trở đi định hướng NHNN là phát triển tín dụng nhưng đi kèm với kiểm soát chất lượng tín dụng, chứ không phải tăng bằng mọi giá”, TS. Lê Thành Trung nhấn mạnh.

Nguồn TBNH