Chưa ngân hàng nào tìm đến 100.000 tỷ đồng “vốn tái sinh”
Thông tin trên được ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết sáng 30/10, khi giải thích thêm nhận định từ một chuyên gia.
Cụ thể, với sự tham gia của VAMC, ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), dự tính sẽ có một nguồn vốn lớn được Ngân hàng Nhà nước thực hiện qua việc tái cấp vốn cho các chủ sở hữu trái phiếu đặc biệt. Tổng quy mô có thể lên tới 100.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa có ngân hàng nào sử dụng trái phiếu đặc biệt để vay vốn tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước. Lý do chung được ông Tú nhìn nhận ở thanh khoản hệ thống tốt và các ngân hàng đang “rủng rỉnh” vốn.
Cũng theo ông Tú, cơ chế hiện hành cho phép tổ chức tín dụng được sử dụng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành để nhận tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước với hạn mức tối đa 70% giá trị trái phiếu.
“Tuy nhiên, việc tái cấp vốn, mức độ và hạn mức sẽ được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc linh hoạt tùy từng thời điểm. Hạn mức hiện tối đa 70% nhưng cũng có thể rút xuống 50%”, ông Tú nói.
Từ ngày 1/10/2013, VAMC đã bắt tay vào mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Các ngân hàng như Agribank, SCB, SHB, PGBank… đã lần lượt ký hợp đồng bán nợ xấu; trái phiếu đặc biệt cũng đã được phát hành. Nhiều ngân hàng khác cũng đã gửi hồ sơ về và đăng ký bán lại nợ.
Sau tháng đầu tiên, đã có khoảng 10.000 tỷ đồng nợ xấu các ngân hàng bán lại cho VAMC. Mục tiêu mà công ty này đặt ra đến cuối năm 2013 sẽ mua được tối thiểu 30.000 tỷ đồng.
Các tổ chức tín dụng được sử dụng trái phiếu đặc biệt để vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước với mức lãi suất dự kiến rất thấp. Theo cơ chế này, một nguồn vốn từ nợ xấu sẽ được “tái sinh” cho các ngân hàng thương mại, cũng như tỷ lệ nợ xấu được “giảm” đi tương ứng.
Nguồn Vneconomy