Thứ Sáu | 20/12/2013 07:50

Chưa hiểu thị trường, khó định hình đầu tư

Ông Phạm Quang Tâm, Phó chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế Việt Nam tại Đài Bắc (Đài Loan), phụ trách công tác thương mại trả lời phỏng vấn phóng viên TBNH.

Vì sao ông cho rằng, nhiều DN Việt Nam vẫn chưa hiểu thị trường cần xuất khẩu, thương nhân nước sở tại, cũng như đặc tính của thị trường?

Đài Loan là nền kinh tế năng động. Họ phát triển từ kinh tế gia đình, từ các công ty nhỏ nên cách làm việc rất uyển chuyển. Ví dụ, mặt hàng điều, thương nhân Đài Loan sang thành lập DN của họ hoạt động tại Việt Nam. Sau đó, căn cứ vào khẩu vị của người Đài Loan, họ sản xuất ra hạt điều phù hợp rồi lại xuất về Đài Loan.

Bên cạnh đó, thị trường Đài Loan phát triển rất cao và họ rất coi trọng hình thức bao bì sản phẩm, trên bao bì phải ghi đầy đủ thông tin thành phần, hạn sử dụng của hàng hóa thì mới nhập được vào thị trường này. Vì vậy, các DN Việt Nam khi xuất khẩu hàng của Việt Nam sang Đài Loan phải chú ý điều này.

Hiện nay các DN Đài Loan sang đầu tư ở Việt Nam rất nhiều nên DN Việt Nam muốn trở thành đối tác cũng cần hiểu sâu hơn về họ. Đặc tính của thương nhân Đài Loan là bao giờ họ cũng muốn làm việc trực tiếp, tức là khi người ta muốn mua hàng của Việt Nam thì họ chỉ cần thương vụ giới thiệu, còn họ trực tiếp đến công ty của Việt Nam để trao đổi, không thông qua môi giới.

Về triển vọng thương mại, chúng tôi cho rằng, thế mạnh của chúng ta là nông nghiệp thì nên đi sâu vào phát triển nông nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, để có được sản phẩm an toàn, hiệu quả.

Có ý kiến cho rằng, việc phối hợp của các hiệp hội, ngành hàng… chưa hiệu quả dẫn đến sự hiểu biết của DN về thị trường chưa tốt?

Qua thực tế, tôi cũng thấy rằng, việc gắn kết giữa các hiệp hội, ngành hàng, các DN Việt Nam với các thương vụ chưa thực sự là mật thiết. Nhiều DN còn không biết ở thị trường Đài Loan có thương vụ. Tôi lưu ý, các DN khi ra nước ngoài nên liên hệ trước với các tham tán hoặc thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Bởi vì, chúng tôi có thể nắm được nhu cầu thị trường, giúp các DN tìm mặt hàng để sản xuất, xuất khẩu, kinh doanh.

Bên cạnh những thông tin mà các thương vụ gửi cho hiệp hội ngành nghề, mạng thương mại điện tử của Bộ Công Thương đã phát triển rất đầy đủ. Tất cả những thông tin về thương mại của các công ty Đài Loan muốn nhập khẩu từ Việt Nam, chúng tôi đều cung cấp thông qua mạng điện tử này để các DN tiếp xúc được, qua đó trực tiếp làm việc với bạn hàng.


Thương nhân Đài Loan luôn muốn làm việc trực tiếp với đối tác

Các thương vụ có thể hỗ trợ gì thêm cho các DN?

Hiện nay, mỗi năm Đài Loan tổ chức 3 triển lãm quốc tế về thực phẩm vào tháng 6 tại Đài Bắc, tháng 8 tại Đài Trung và tháng 11 tại Cao Hùng, quy mô rất lớn. Nhưng không có hỗ trợ thì các DN Việt Nam rất khó sang Đài Loan để triển lãm và xúc tiến thương mại vì chi phí gian hàng rất lớn.

Hiện nay, các thương vụ đang cố gắng đàm phán với các cơ quan kinh tế, ngoại thương và thương mại của Đài Loan để miễn phí cho DN Việt Nam tham gia những triển lãm này (Trung Quốc và Hồng Kông miễn phí cho DN Việt Nam). Nhưng, phía họ cũng đề nghị phải có đối đẳng. Nghĩa là khi Việt Nam tổ chức triển lãm, DN Đài Loan tham gia cũng cần được miễn phí. Tôi cho rằng, đây cũng là điều hợp lý bởi với những hỗ trợ như thế, các DN Việt Nam mới có thể xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư…

Xin cảm ơn ông!

Trần Hương thực hiện

Nguồn Thời báo Ngân hàng


Sự kiện